Lần đầu tiên tôi nghe bài thơ Cúc ơi! của tác giả Yến Thanh là dịp xem phim Ngã Ba Đồng Lộc chiếu trên truyền hình. Bài thơ khóc chị Cúc, một trong Mười thanh niên xung phong đã ngã xuống dưới cái ngã ba kỳ lạ ấy, cái ngã ba mà nhà thơ Huy Cận gọi là “những mạch máu luôn chảy về tim”, “Và con ơi muốn tìm đúng hướng đi/ Con sẽ nhớ đến Ngã Ba Đồng Lộc”, “Qua trái tim Ngã Ba Đồng Lộc”... Quả thật tôi đã lặng người đi hồi lâu, rờn rợn gai ốc. Phải mất mấy ngày liền, tôi vẫn bị ám ảnh về bài thơ đó. Sau này, khi có bài thơ trong tay, tôi còn chưa dám đọc ngay, mà đợi lúc trong lòng không chút vướng bận, tôi mới se sẽ cúi đọc từng chữ, không dám lướt cả bài như mọi khi, cứ sợ như khi ta bước vào ngôi nhà kỳ ảo kia, nếu ta trộm nhìn thì mọi sự sẽ tan biến, ấy vậy mà tim tôi vẫn đập rất mạnh và vẫn không khỏi bàng hoàng:

Mười cô gái Đồng Lộc (ảnh nguồn internet)
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
áo em thì mỏng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Về với bọn anh
Tắm nước sông Ngàn Phố
ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn
ở đâu hỡi Cúc?
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cả cổ rồi
Cúc ơi!
25-7-1968
|

Ngã ba Đồng Lộc (ảnh nguồn internet)
Bài thơ là những giọt nước mắt được chắt từ lòng người, khóc người con gái thanh xuân, đã hy sinh cuộc đời mình cho đất nước. Lời thơ như được thốt ra tự đáy lòng, hết sức tự nhiên và mặc để tuôn chảy, dâng đầy cảm xúc, không có sự gò ép về câu chữ. Trong lúc đau thương tột cùng, có phần kể lể, những điều kể lể cũng chẳng có gì là gượng ép, lại rất con người. Chính không có cái ranh giới của thực - hư bài thơ mới đọng lại, làm cho ta như đang chứng kiến, đang hiện diện trước bài vị của 10 cô gái Đồng Lộc, cái sự việc kinh hoàng ấy vẫn còn hằn rõ trên khuôn mặt mọi người, khi làm lẽ tiễn đưa các cô gái về miền Tiên nữ.
Chị Cúc, tên đầy đủ là Hồ Thị Cúc, sinh tại Nương Bao, xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh, bên con sông Ngàn Phố trong xanh. Khi chị vừa tròn một tuổi thì cha mất, lên bốn tuổi thì mẹ đi bước nữa, chị được ông nội nuôi cho khôn lớn. Năm 1965, chị Cúc đi thanh niên xung phong ở với chị Võ Thị Tần, phục vụ ở cung đường Ngã Ba Đồng Lộc, hẳn chị không bao giờ ngờ được, nơi đây sau này sẽ trở thành bất tử.
Vào một ngày tháng 7-1968, trời nắng gắt, 10 cô gái ra mặt đường cách Ngã Ba Đồng Lộc về phía Nam khoảng 300 mét để san lấp hố bom, sửa chữa kết hợp củng cố hầm trú ẩn. Bỗng có một tốp máy bay phản lực, bay từ Bắc vào Nam, vượt qua trọng điểm. Bất ngờ, một trong tốp máy bay quay lại, thả mọt loạt bom. Một quả rơi đúng vào chỗ các cô đang làm việc. Tiếng nổ chát chúa, đất đá tung tóe, khói bom mù mịt, đen ngòm trùm lên cả đội hình mười cô... Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới, tìm kiếm thi hài các chị, đem về tắm rửa sạch sẽ. Riêng chị Hồ Thị Cúc, mãi sang ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy chị trên đồi Trọ Voi, cách hố bom cũ chừng 20 mét trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Thương sót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh (tên thật Nguyễn Thanh Bính), cùng có mặt lúc đó đã nghẹn ngào viết nên bài thơ Cúc ơi!
Cúc ơi!, tên chị đã thành một bài thơ, một bài thơ giản dị song không dễ gì viết ra được, lại trở thành máu thịt, hơn bất cứ sức mạnh nào, tạc vào lòng người một Ngã Ba Đồng Lộc, lại chỉ có một hướng đi đến sự hồi sinh của đất nước.
Nguyễn Xuân Phước