Gió về, cái se lạnh làm tóc rối bay tung tăng trên bờ vai thon gầy. Cái hanh này làm cho da trẻ con tắm nước nóng nứt ra những mảng màu trắng, những gót chân chim của mẹ vỡ ra như ghi dấu sự vất vả của nắng mưa, bùn đất để đổi lấy nụ cười ráo hoảnh trên môi con trẻ sau những giờ lên lớp.

Ảnh minh họa (Ngọc Điệp)
Cách đây 2 tuần con hỏi, “chắc đã hết mưa rồi mẹ nhỉ”. Mẹ đáp “dự báo thì dự báo chứ chưa thấy nụ của cúc quỳ thì vẫn còn mưa con ạ”. Cái chân chất của một bà nông dân đầu tắt mặt tối, cũng biết xem HBO, biết đi xe máy nhưng sống nhiều năm trên kinh nghiệm.
Con đường trở nên lạnh, cái lạnh đổ trên bờ vai gầy gò, cô đơn. Một chút bụi bay lòa xòa vướng vào gương xe. Con đường vắng hơn khi về chiều vì trời trở lạnh, một vài bông cúc quỳ vươn lên đón đợt gió mùa đầu tiên khoe sắc, cái vàng của thẹn thùng, khỏe khắn như những cô gái miền bazan.
Dãy núi đằng xa đã gọi mây bay tới, một làn khói phất phơ từ góc bếp nhà ai có mùa rơm mới thơm phức, những đàn bò lặc lè sau một ngày chăm chỉ gặm.
Đứng trên cầu treo, take một vài bức ảnh, ánh hoàng hôn chiều tím muộn rải đầy trên chiếc khăn thổ cẩm có màu đỏ. Một chút xao xuyến nhớ Tây Bắc, nhớ Hà Nội và nhớ ánh đèn vàng của phố tối hôm có mưa.
Miền quê trở mùa làm cho ai đó bâng khuâng, thẹn thùng. Chao ơi, đã từng nói với đứa bạn làm báo rằng “cậu phải vào với tớ vào ngày trở mùa, để ngắm những bông dã quỳ đầu tiên, cái màu vàng đầu tiên ấy nó mê hoặc lắm, nó sẽ giữ cậu lại với miền đất của tớ”. Đứa bạn trề môi “cái gì của mày mà chả đẹp, tao ứ tin, tao chỉ yêu Hà Nội thôi. À và yêu cái cá tính của mày 1 chút nữa chứ”. Được mấy hôm, nó lại gọi hỏi “trời bazan đã giở mùa như cái tính dở người của mày chưa, để ta còn vào”.
Những khóm cúc cuối thu trong vườn cũng làm ai xao xuyến, một chút mơ hồ của con gái hăm hai hò hẹn với mối tình đầu gợi về. Những nụ hôn trở mùa ấm áp rực rỡ đã trôi đi nhưng xúc cảm thì không bao giờ được rơi vào quên lãng.
Trời trở mùa, sẽ rúc vào nách mẹ, nơi có bàn chân thô ráp kéo từng sợi chỉ của chiếc chăn bông kêu rột roạt, sẽ luồn tay vào áo cho mẹ giật thột, và sẽ gác chân lên chân mẹ để xua đi cái hanh giá ngày trở mùa. Mẹ lại vuốt tóc và vỗ về “bố cô chứ, bằng tuổi cô tôi đã có 3 mặt con, tóc dài lại rồi đó, đừng có cắt đi nghe con, con gái phải để tóc dài mới nữ tính. À, chuyện con xin đi học võ ấy, thôi đừng đi nữa, con gái giỏi văn là được rồi, có làm quan đâu mà học võ…”
Lâu lắm mới được nghe lời yêu thương, nựng nịu, vỗ về…
Một giọt nước mắt hạnh phúc của ngày trở mùa lăn dài…
Tạ Thị Ngọc Điệp