The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tôi, và một Pơthi
09/04/2015 - Lượt xem: 3179
Gắn bó với Tây nguyên hơn 20 năm, kể như cũng đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự được dự một lễ bỏ mả của người Jrai trên đất này. Tự lòng mình cảm thấy áy náy, như còn mắc nợ với mảnh đất, tuy không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng là mạch nguồn nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành. Đem suy nghĩ này chia sẻ với một người bạn, bạn bảo tôi nên đi cho biết, đi để yên lòng. Nhắn với một vài người bạn, dặn họ khi nào ở đâu có thì rủ tôi đi theo với. Và rồi, tôi đã thỏa nguyện với một đêm Pơthi vào thời điểm mùa lễ hội đang rộn ràng nhất trên mảnh đất mà tôi yêu chẳng kém quê mình.

Cuối tháng ba, trời Tây Nguyên nắng lửa, hanh hao. Nắng và gió đặc trưng của xứ bazan bụi đỏ mù trời. Chúng tôi cùng với vài anh em văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh có mặt tại làng Kép Ping, xã Ia M'nông, huyện Chư Păh lúc trời chạng vạng tối. Ấn tượng đầu tiên của tôi về khu nhà mồ của làng là nó khá khang trang, gọn gàng, tươm tất, chứng tỏ được bàn tay con người chăm chút thường xuyên. Nhưng ấn tượng mạnh nhất tác động tới mọi giác quan của tôi, chính là các bức tượng gỗ dựng xung quanh các ngôi nhà mồ. Rất nhiều những bức tượng thể hiện các tư thế khác nhau của con người như địu con, người đàn bà đeo gùi, nam nữ ôm nhau,...và nhiều nhất vẫn là tượng người ngồi ôm mặt. Mỗi gương mặt một biểu cảm khác nhau, rất nhiều những bức tượng với cùng một tư thế, dáng vẻ như thế, nhưng tuyệt nhiên không một gương mặt nào giống gương mặt nào. Những gương mặt tượng suy tư trong chập choạng chiều gợi cho con người bao nhiêu là cảm xúc, tâm trạng về một thế giới siêu nhiên nhưng cũng vô cùng hữu hình, sinh động. Tôi đã đọc khá nhiều về các bức tượng nhà mồ cũng như nghi lễ bỏ mả của người Jrai, hiểu rằng đây là nghi lễ cuối cùng trong vòng đời của một kiếp người, nên nó long trọng, linh thiêng biết bao. Và quả thật, cảm xúc về sự linh thiêng đã truyền sang tôi, để tôi say sưa mãi trong cái thế giới tượng tưởng chừng như vô tri mà cũng lại như biết thì thầm với con người về thế giới vạn vật hữu linh.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Lòng vòng mãi, bước chân đưa tôi đến với ngôi nhà mồ, nơi chuẩn bị hành lễ. Ngôi nhà mới tinh, được làm khoảng một tuần trước, mái lợp tôn, xung quanh dựng rất nhiều tượng, và tường xây bao quanh rất kiên cố. Cô bé người Jrai đi cùng giải thích cho tôi về các lá phướn hình con dơi tượng trưng cho các hồn ma, tôi thắc mắc sao lại phải treo nón và dù ở phía trên đầu lá phướn thì được giải thích là hồn ma cũng cần được che mưa che nắng, cần được che chở, bảo vệ như con người. Tôi còn hiểu được thêm một điều về họa tiết được người Jrai trang trí trên nóc nhà mồ, đó là bông hoa Brang. Theo các nghệ nhân, cây Brang này muốn ra hoa thì thân nó sau khi lớn lên sẽ chui ngược vào đất sau đó sẽ nảy chồi rồi ra hoa, sự sống lại tiếp tục. Họa tiết này muốn báo hiệu sự mất đi của người chết và sự tái sinh vào cuôc sống mới. Trò chuyện với một người ở gần đó, tôi được biết trong ngôi nhà mả này gồm có tất cả 14 người, người chết lâu nhất cách đây đã khoảng 20 năm, còn người mới nhất cách đây cũng đã 3 hay 4 năm gì đó. Tôi hỏi sao để lâu thế mới làm lễ bỏ mả? Người đó trả lời vì không đủ điều kiện kinh tế. Nhìn sự bề thế của cái nhà mả và đàn trâu bò - vật hiến tế cũng là thực phẩm cho cuộc lễ - buộc xung quanh đó, tôi hiểu được sự tốn kém của một đại lễ trong cuộc đời con người.

Tiếng khóc than ai oán vọng ra từ bên trong ngôi nhà bí ẩn như lời gọi mời, bình thường tôi rất nhát, nhưng không hiểu lúc ấy, sự bạo dạn đến từ đâu khiến tôi bước hẳn vào bên trong nhà mồ, lúc này đã tối om, không rõ mặt người. Tiếng khóc lóc, kể lể quyện vào tiếng kêu liếp chiếp của những con gà con trong nhá nhem cảnh vật, cảm giác rờn rợn, nhưng tôi vẫn dấn chân bước hẳn vào. Vài ba người đang vừa khóc vừa kể lể, tôi bật đèn pin để lấy ánh sáng rồi tiến đến ngồi bên một chị phụ nữ trung niên, chị này đang khóc cha, trên tường, tôi thấy cả ảnh của người chết, có lẽ đây cũng là một nét mới! Tôi không hiểu chị kể lể những gì, nhưng nhìn nét mặt khổ đau, sự vật vã của chị, tôi cảm nhận được thế nào là giờ phút biệt ly. Tôi có ghi âm lại lời  khóc của chị, gặp anh Quý, người Jrai sống tại làng và làm công an xã Ia M’nông nhờ dịch hộ, anh bảo lời khóc này kể về cuộc đời, công ơn của người cha đã khuất đối với con cháu, gia đình, dòng họ. Anh còn nói thêm cho tôi về các “bài” khóc, nếu là khóc người già thì người ta kể lại cuộc đời của người đó từ khi sinh ra đến khi lớn lên, mất đi, sống như thế nào, có công đức gì đối với gia đình, làng xóm… Còn nếu là người chết trẻ, người ta sẽ nói về tâm trạng đau đớn, tiếc thương của người sống trước cái chết của người đó…

Tầm 8 giờ tối thì tiếng chiêng nổi lên thu hút tất cả mọi người tiến về phía ngôi nhà mả. Đội chiêng vừa bước đi chầm chậm xung quanh nhà mả theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, vừa tấu lên những nhịp buồn bã, vài ba người già bắt đầu bước ra nắm tay nhau xoang theo nhịp chiêng. Khoảng một tiếng sau thì nhịp chiêng nhanh dần, rồi chuyển sang vui tươi, người cũng đông hơn, các đội chiêng của các làng lân cận cũng đem đến cùng hòa nhịp, vòng xoang rộng mở, lúc này tôi đã thực sự cảm nhận được không khí của một lễ hội. Giá là một nhạc sĩ, có lẽ tôi sẽ kí âm ngay những nốt nhạc đang réo rắt bật ra trong đầu tôi lúc ấy. Bạn tôi quay sang hỏi: Chúng mình có được nhảy không? Tôi gật đầu đại: Được chứ. Rồi cứ thế chúng tôi hòa vào vòng người xoay tròn, xoay tròn… Đêm càng về khuya, lửa càng nồng, than càng đượm, tiếng chiêng càng rộn ràng, nhịp chân càng say sưa, con người lâng lâng trong cả men rượu và một thứ men, có lẽ là mạnh hơn cả men rượu, tôi thực sự bối rối vì chỉ có thể cảm nhận, rõ ràng lắm nhưng không gọi được tên. Trên tán cây Gáo rất to mọc trong khu nhà mồ, trăng thượng tuần lấp ló, ma mị, như đang hòa cùng dòng người đổ vào đêm mỗi lúc một đông…

Trên đường về, lòng tôi bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn. Tôi cảm thấy còn có điều nuối tiếc, đó là vì trong cảm nhận của tôi, buổi lễ Pơthi này hơi hiện đại, tôi muốn tìm một “Ngực thây lẩy ngực, chân trân bồng lai” như trong câu thơ của Khanh Phan Hữu mà tôi đã đọc. Nhưng ở đây, tôi hầu như không thấy bóng dáng của một thổ cẩm nào, kể cả những người già cũng không còn mặc trang phục truyền thống, còn thanh niên trai gái thì ăn mặc rất hiện đại, nếu không muốn nói là còn hơi lai căng, tóc tai quần áo, đeo hoa tai như những thần tượng âm nhạc 9X thời thượng… Nhưng dẫu sao, nỗi buồn đó cũng chỉ thoáng qua, bởi tôi đã thực sự được sống cùng một lễ hội, được tận tay sờ vào những bức tượng sống động hồn vía, tận mắt nhìn thấy những nghi lễ cổ xưa, tận tai nghe tiếng ơ hờ khóc tiễn hồn ma… Ngực tôi hít căng thứ bụi đỏ bazan đặc trưng xứ sở, tay tôi được nắm những bàn tay ấm áp, tai tôi, mắt tôi, tất cả căng ra đón nhận. Đêm, lang thang trong cõi hỗn mang giữa ma và người, chưa bao giờ tôi thấy gần, và cảm nhận ranh giới âm – dương rõ ràng như vậy. Nó khác biệt hoàn toàn với cảm giác khi xem một lễ hội được phục dựng dưới bàn tay đạo diễn của con người, với sơ mi cổ cồn, comple caravat ngồi làm “khán giả” cứng đơ và vô cảm mà vài lần tôi đã thấy.

Trăng thượng tuần vẫn ma mị, lửa vẫn bập bùng, chiêng vẫn rộn rã vang ngân, những bóng người lướt qua, những gương mặt tượng vẫn suy tư in vào bóng đêm, bóng núi…Tôi thấy mình bồng bềnh, như đang trôi đi, trôi đi…

Tháng 3/2015

Đào An Duyên

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG