Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Ia Grai đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đối với sự phát triển toàn diện của huyện. Đội ngũ tri thức của huyện phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, người có trình độ đại học và trên đại học tăng qua từng năm.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình số 45-CTr/TU, ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Grai đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ huyện, đến nay, đạt được những kết quả tích cực.
Với mục tiêu thu hút người có trình độ cao về công tác tại địa phương, huyện đã triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 38-QĐ/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, huyện đã hỗ trợ 05 cán bộ tri thức trẻ tốt nghiệp loại giỏi và thạc sỹ về công tác tại huyện, với số tiến 10 triệu đồng/01 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và 25 triệu đồng/01 thạc sỹ. Để đội ngũ trí thức an tâm công tác, cống hiến lâu dài, đóng góp cho sự phát triển chung của huyện, trong những năm qua, huyện Ia Grai luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách cấp đất có thu tiền theo giá Nhà nước cho các gia đình cá bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở. Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường công tác nhằm nâng cao hiệu quả công việc; gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm đúng mức. Từ năm 2008 đến nay, huyện đã cử đi đào tạo chuyên môn 74 đồng chí, lý luận chính trị 443 đồng chí, quản lý nhà nước 150 đồng chí… ngoài ra, Trung tâm chính trị huyện, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề của huyện đã mở 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng với trên 3.000.000 học viên tham dự; đồng thời, liên kết mở các lớp tin học, tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức. Từ thực trạng nhiều cán bộ, công chức chưa qua đào tạo chuyên môn, chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn, đến nay, gần 100% cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ từ trung cấp trở lên; đội ngũ trí thức huyện có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, năm 2008, huyện có 5 thạc sĩ, 3 bác sĩ chuyên khoa cấp I, trên 280 người có trình độ đại học và trên 300 người có trình độ cao đẳng, đến nay đã có 35 thạc sĩ, 5 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 1.500 người có trình độ đại học, 120 có trình độ cao đẳng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện.
Nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ tri thức, hằng năm, huyện đều phân bổ kinh phí phát triển sự nghiệp giáo dục, với quy mô đầy đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông. Hiện nay, toàn huyện có 55 đơn vị trường học, tăng 11 trường so với năm học 2007 - 2008; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các bậc học năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là bậc trung học phổ thông, tỷ lệ trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngày càng tăng, nhiều em sau khi tốt nghiệp đã về địa phương công tác và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển huyện nhà.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện có hiệu quả. Huyện đã triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ và nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã mở 69 lớp đào tạo nghề, với 2.111 học viên tham gia, trong đó, học viên đồng bào dân tộc thiểu số là 1.912 học viên. Để có môi trường làm việc tốt cho đội ngũ tri thức, huyện đã thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn cho Ủy ban nhân dân huyện về các vấn đề khoa học công nghệ; đầu tư kinh phí phục vụ nghiên cứu, triển khai các ứng ụng khoa học công nghệ vào đời sống, sản xuất, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp.
Nhìn chung, trong 10 năm (2008 - 2018), các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Ia Grai đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đối với sự phát triển toàn diện của huyện. Đội ngũ tri thức của huyện phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, người có trình độ đại học và trên đại học tăng qua từng năm. Đội ngũ trí thức của huyện thật sự trở thành cầu nối quan trọng trong việc chuyển giao ứng ụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận người dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức khoa học kỹ thuật, nhất là trí thức trẻ còn hạn chế. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức ngoài hệ thống chính trị chưa nhiều. Năng lực hoạt động thực tiễn của một bộ phận đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lam Giang