Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra mắt Đại hội. (Ảnh: Hiền Hòa)

Bước chuyển của quá trình đổi mới

Đại hội lần thứ XII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại đối với đất nước ta; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, được nhân dân đặc biệt quan tâm. Đại hội lần này là bước chuyển quan trọng của quá trình đổi mới, thành công của Đại hội được kỳ vọng sẽ khởi xướng cho công cuộc đổi mới đất nước lần thứ hai, kể từ Đại hội VI của Đảng năm 1986.

Tinh thần đổi mới cũng được thể hiện ngay trong chủ đề của Đại hội: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đó cũng là những định hướng lớn, mục tiêu cơ bản để chúng ta phấn đấu trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Đại hội lần này, công tác xây dựng Đảng được đề cập ở vị trí đầu tiên trong tiêu đề của báo cáo Chính trị, là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ XII, cho thấy Đảng ta nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Trong đó, Đảng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức. Để tăng cường vai trò lãnh đạo của mình, Đảng cầm quyền phải tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức, như Hồ Chủ tịch đã nói: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Đây là điểm nhấn và cũng là điểm mới, là sự bổ sung hết sức cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội lần này cũng chỉ rõ: Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm…

Nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách trước đất nước, dân tộc, trước yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, Đại hội xác định phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa"; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Sự đổi mới còn được thể hiện rất rõ trong công tác nhân sự Đại hội. Tinh thần dân chủ được bảo đảm từ khâu chuẩn bị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, đến việc thảo luận tại Đại hội, việc ứng cử, đề cử ở các đoàn và tại hội trường. Đặc biệt, Đại hội thảo luận dân chủ và bỏ phiếu kín đối với những trường hợp xin rút khỏi danh sách bầu cử với sự thống nhất cao trước khi chốt danh sách bầu cử. Đại hội chỉ bầu một lần đủ số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và đúng định hướng nhân sự về các yêu cầu tiêu chuẩn, 3 độ tuổi và trình độ năng lực. Trong đó có nhiều nhân tố trẻ, nhân tố mới, cán bộ nữ, dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Kế thừa và phát huy các nghị quyết Đại hội Đảng trước đây, các văn kiện Đại hội lần này chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng mới, xác định lộ trình, mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa đất nước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đảng ta khẳng định tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đổi mới kinh tế được đẩy lên một mức mới, trước hết về thể chế. Kinh tế thị trường ở nước ta là "nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế", "vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường". Hay lĩnh vực kinh tế tư nhân lâu nay còn chưa được đánh giá đúng mức thì nay báo cáo khẳng định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế"...

Trong đó, Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Văn kiện Đại hội đã xác định những nội dung quan trọng về bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, báo cáo chính trị tại Đại hội xác định rõ các giải pháp: tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, được nêu ra từ Đại hội XI của Đảng. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh quá trình này trong thời gian tới, cần kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới và sáng tạo.

Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội cũng xác định cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng và phát triển văn hóa, con người; quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, mục tiêu trọng yếu được Đại hội lần này thông qua là: kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ưu tiên cao nhất trong thực hiện đường lối đối ngoại là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế... giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới”, Đại hội đã thảo luận và thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vững tin ở tương lai

Nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách trước đất nước, dân tộc, Đại hội khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đại hội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng trên cơ sở Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng; thường xuyên bồi đắp sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân - những phẩm chất cao quý, tốt đẹp, cốt lõi thể hiện bản chất và sức sống của Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 200 đồng chí tiêu biểu cho hơn 4,5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức để gánh vác trọng trách nặng nề do Đảng và nhân dân giao phó.

Đại hội trao cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII trọng trách lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới với nhiều mục tiêu cốt lõi. (Ảnh: Hiền Hòa) 

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “tập thể Ban Chấp hành Trung ương khoá XII sẽ cùng với toàn Đảng tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, tăng cường đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội XII của Đảng thành công đúng dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng là niềm tự hào, niềm vui lớn; và một mùa xuân mới đang về mang theo những điều tốt lành cho cả dân tộc. Tin tưởng rằng, với quyết tâm mới, khí thế, sức sống mới, Đảng ta sẽ viết tiếp mạch nguồn sáng tạo sau 30 năm đổi mới để tiếp tục đạt được những mục tiêu như nghị quyết Đại hội đã đề ra trong nhiệm kỳ 5 năm tới./.

(Theo ĐCSVN)