The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Trạng thái 'bình thường mới' của tuyển Việt Nam?
26/10/2021 - Lượt xem: 960
Việt Nam vừa ra khỏi top 15 châu Á sau năm trận thua tại các vòng loại World Cup 2022. Câu hỏi đặt ra là đội tuyển có thể quay lại hay không?

Trong chừng mực nào đó, thứ tự hiện nay phản ánh chính xác đẳng cấp của bóng đá Việt Nam. Tức là, đủ chất lượng để thường xuyên giành vé dự Asian Cup (16 đội), nhưng vẫn còn một khoảng cách với nhóm tranh vé dự World Cup - kể cả khi châu Á mở rộng lên tám hoặc chín suất. Nhưng như một câu hỏi có tính thời đại Covid-19: Bóng đá Việt Nam sẽ trở về "bình thường" như trước đây, hay sẽ thiết lập trạng thái "bình thường mới" - tức là tìm cách để vươn lên tốp đầu.

Mới đây, trong dự thảo chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, ở lĩnh vực bóng đá có mục tiêu đội tuyển sẽ vào top 10 châu Á. Như vậy, trong 10 năm tới, bóng đá Việt Nam phải đột phá về chất lượng mới có thể hoàn thành mục tiêu này.

 

Quang Hải tranh chấp bóng với cầu thủ Trung Quốc ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á. Ảnh: VFF

Bảng FIFA chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, do đang có mặt ở vòng đấu loại cuối cùng World Cup 2022, Việt Nam vẫn đang nằm trong top 13 châu Á (tính luôn chủ nhà Qatar). Vị trí của Việt Nam có thể thấp hơn nếu không thắng trong sáu trận còn lại, vì càng thi đấu thì càng dễ tụt hạng do bị trừ điểm so với những đội không ra sân. Nhưng, các trải nghiệm của lần đầu tiên ở vòng loại World Cup, cũng như bài học từ sự sa sút của bóng đá Thái Lan, cho thấy hành trình đi đến vị trí trong top 10 châu Á là quá sức, nếu bóng đá Việt Nam không có sự thay đổi đặc biệt nào. Do đó, không nên lấy bảng FIFA làm chỗ dựa, mà điều quan trọng nhất là hệ thống thi đấu, đào tạo nội địa. Đó mới là nội lực của nền bóng đá.

Lấy ví dụ như chuyện bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang đi theo mô hình nào, học tập cái gì của thế giới, vẫn là câu chuyện dang dở. Năm 2013, VFF có hẳn một nghị quyết xác định sẽ xem bóng đá Nhật Bản là "ông thầy" để bắt đầu đi học, rồi công ty VPF tổ chức ký kết hợp tác toàn diện với J-League. Đội tuyển Việt Nam được giao cho HLV Toshiya Miura còn V-League thuê các chuyên gia Nhật Bản điều hành. Các đại diện của V-League cũng tham quan, học hỏi ở Nhật Bản vài ngày trong năm 2014. Nhưng đến cuối năm 2015, một đoàn khác của VPF lại chuyển hướng sang... Hàn Quốc cũng với mục đích tương tự. Sang năm 2016, một chuyến đi khác có điểm đến là... châu Âu.

Kết quả thế nào đã rõ. Không thấy ai nhắc về bóng đá Nhật Bản nữa, ngoại trừ Sài Gòn FC mới đây với chiến lược "J-League hóa" chẳng đi đến đâu. Phần học tập của Hàn Quốc cũng không thấy có gì được triển khai, trong khi công ty VPF vừa trải qua sóng gió khi một vài cổ đông đòi tổ chức đại hội bất thường và V-League thì đang khủng khoảng tài chính.

Để biết nội lực của nền bóng đá ra sao, chỉ cần đếm số lượng các CLB được đăng ký chính thức cũng như số lượng trận đấu trong năm. Hệ thống thi đấu chính thức của Việt Nam chỉ có bốn cấp, và có đến gần 50% địa phương trong tổng số 63 tỉnh, thành hoàn toàn không có đội bóng. Trong đó, giải hạng Ba, cấp thấp nhất của Việt Nam, hiện chỉ có chín đội nhưng có đến ba đội trẻ của các CLB hạng Nhất, V-League. Giải hạng Nhì chỉ có 14 đội, cũng đã bao gồm một số đội trẻ. Nếu tính trung bình một CLB có khoảng 30 người chơi bóng chuyên nghiệp, thì tổng số lượng cầu thủ kiếm sống bằng bóng đá ở Việt Nam chỉ đạt 1.500 người thuộc 50 CLB ở bốn hạng đấu. Một con số vô cùng ít ỏi so với dân số. Vì thiếu con người mà tại Việt Nam đã mất dần các giải đấu cấp vùng, khu vực và ngay ở một số địa phương có truyền thống thì giải vô địch cấp thành phố cũng chẳng tồn tại. Hệ thống thi đấu vừa thiếu, vừa yếu, vừa không hoạt động thường xuyên thì làm sao sàng lọc nhân tài hay thúc đẩy công tác đào tạo trẻ. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã có 20 năm hoạt động, nhưng hầu như không kéo được phong trào đi lên.

Sự thua kém về thể hình chính là cản trở lớn để một nền bóng đá như Việt Nam vươn đến đẳng cấp châu Á. Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng nhận thức được điều này, đó là lý do mà họ sẵn sàng sử dụng cầu thủ nhập tịch. Nhưng cũng có những ví dụ cho thấy thể hình không phải là yếu tố quyết định thành công, Malaysia, Trung Quốc hay các đội bóng vùng Trung Á là ví dụ. Việc thi đấu cọ xát và việc đầu tư cho bóng đá nội địa mới mang tính cốt lõi. Việt Nam là một quốc gia yêu bóng đá, đó là nền tảng không phải ở đâu cũng có. Vấn đề còn lại vẫn là một cuộc cải tổ có chiều sâu và độ rộng để khai thác mọi tiềm năng.

Việc rơi ra khỏi top 15, thậm chí là top 20, chẳng phải là vấn đề. Đó là một bước lùi cần thiết để bóng đá Việt Nam nhìn nhận chính xác vị trí của mình. Chúng ta chọn trở lại sự bình thường, tức là loanh quanh tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á cũng như hài lòng với chất lượng của V-League hiện nay. Hoặc ngược lại, đặt mình trong trạng thái "bình thường mới", duy trì giấc mơ World Cup để thực hiện một cuộc thay đổi mạnh mẽ ở hạ tầng mà bắt đầu từ V-League giàu tính cạnh tranh hơn, công bằng hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo Vnexpress

(Bấm vào đây để nhận mã)

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG