The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tinh giản biên chế: Tránh "vết xe "cũ
14/02/2014 - Lượt xem: 3644
Việc tinh giản biên chế đã được đặt ra nhiều lần. Nhưng sau mỗi lần tinh giản biên chế thì kết quả đạt được chưa như mong muốn. Vì thế, Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
 

Nhiều người lo lắng khi tinh giản biên chế sẽ không thực sự giảm
được những người đáng giảm (Ảnh minh họa: Đặng Hiếu)

 Quyết giảm, biên chế lại tăng

Thực tiễn việc tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị nước ta đã thực hiện trong nhiều năm qua. Điển hình là các đợt thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ về sửa đổi Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP. Đặc biệt là Nghị định số 132/NQ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoặc do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu kém, sức khỏe yếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ, công chức (CB,CC) từ trung ương đến cấp huyện ở nước ta tính đến hết năm 2007 là 346.379 người (không bao gồm biên chế sự nghiệp và biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); biên chế CB,CC cấp xã là 243.122 người. Đến hết năm 2012 (qua 5 năm thực hiện Nghị định 132 về tinh giản biên chế), tổng số biên chế CB,CC từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); CB,CC cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế).

Bộ Nội vụ cũng đánh giá: Thực hiện Nghị định 132/2007/NQ-CP, nhiều cơ quan đã tiến hành tinh giản biên chế nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế, chưa triệt để. Nhiều cơ quan sau khi đưa một số CB,CC ra khỏi bộ máy thì lại tuyển mới đúng bằng số đã giảm!

Cũng theo số liệu của Bộ Nội vụ, trong 5 năm qua, cả nước có 67.389 người nghỉ thuộc diện “tinh giản biên chế”, nhưng có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Điều đó cho thấy chính sách tinh giản biên chế hiện nay chưa thực sự giảm được những người cần giảm. Tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước để thực hiện nguyện vọng cá nhân. Do vậy, mục tiêu tinh giảm biên chế đưa ra chưa thực sự đạt được như mong muốn, tình trạng những người chưa đáp ứng về yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa khắc phục được. Mặt khác, cơ cấu tinh giản không cân đối, không đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực cũng là hạn chế của công tác này.

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế vừa được công bố của Bộ Nội vụ, 100.000 biên chế sẽ được tinh giản trong vòng 6 năm từ nay đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Dự kiến, sẽ cần khoảng 8.000 tỷ đồng đ triển khai đề án này.

Điểm nổi bật của dự thảo nghị định này là những người có hai năm liên tiếp được xếp mức hoàn thành nhiệm vụ, nhưng còn hạn chế về năng lực sẽ bị tinh giản. Hoặc, có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp cũng sẽ bị tinh giản.

Không ít băn khoăn, lo lắng

Những nội dung của dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dư luận đồng tình, ủng hộ chủ trương phải tinh giản những công chức “cắp ô”, phải “cầm tay chỉ việc” ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Nhưng Dự thảo cũng gây không ít băn khoăn, lo lắng. Nhiều câu hỏi rất thực tế đang được đặt ra: “Căn cứ vào đâu để loại 100.000 biên chế?”... Đi cùng với đó là những băn khoăn như: Dự thảo sẽ không khả thi; lãnh đạo địa phương không cương quyết, nể nang, né tránh, nên không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế ...

Không chỉ có người dân, nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đã lên tiếng xung quanh dự thảo Nghị định này. Trả lời báo điện tử Dân trí, ông Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội – người đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 về con số công chức “ngồi không” thì con số cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản 100.000 biên chế trong 6 năm tới chưa thật chuẩn xác và chỉ dự kiến thôi cũng có phần chủ quan. Ông cho rằng, phải tính toán trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng của từng cơ quan mới thấy tổng số biên chế chúng ta cần là bao nhiêu mới hoàn thành được khối lượng công việc hiện có. Từ đó, mới ra con số cụ thể số lượng công chức cần tinh giản.

Còn GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trả lời Báo điện tử VTC news cũng bày tỏ lo lắng: “Tôi chưa hiểu giảm bớt 100.000 người nghĩa là giảm bao nhiêu % và dựa trên cơ sở tính toán như thế nào.? Ông cũng lo lắng, nếu ồ ạt giảm biên chế, có khi chính những người làm tốt, hay đấu tranh sẽ thuộc diện bị tinh giản, còn những người kém cỏi, có ô dù lại được yên thân”.

Những băn khoăn, lo lắng trên không phải không có cơ sở bởi thực tế đã chứng minh, chủ trương này chưa bao giờ thực hiện được như mong muốn. Song dư luận cũng cần nhìn thấy sự quyết tâm của Bộ Nội vụ khi xây dựng dự thảo Nghị định lần này. Khi trả lời Báo điện tử Vietnamnet, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã nhấn mạnh: Con số 100.000 chỉ là tính toán ban đầu của dự thảo lần 1, không phải là mục tiêu. Lần này, không nên quan trọng hóa sẽ giảm được bao nhiêu. Càng không nên đặt ra mục tiêu con số cụ thể một cách duy ý chí, rồi không thực hiện được.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện thật tốt để đưa được những người không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, người không có khả năng đáp ứng yêu cầu công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm... ra khỏi công vụ. Đồng thời phải có giải pháp thu hút, tuyển dụng được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trước những lo ngại tiêu cực xảy ra khiến cán bộ làm tốt vẫn phải “về vườn”, còn những người thuộc diện “con ông, cháu cha” làm không được việc vẫn không ai “đụng” đến? Thứ trưởng Trần Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng, với cơ chế và pháp luật hiện nay, thì rất khó có thể trù dập, bè phái hoặc nể nang, e ngại không dám làm.

Cần phải khẳng định, tinh giản biên chế là vấn đề có tính khách quan và là giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và có tác dụng tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Song cần phải làm rõ ai giảm, ai không giảm? Lý do vì sao? Tiêu chuẩn nào để giảm? Tất cả những vấn đề này phải được công khai, minh bạch thì người dân mới có thể tin tưởng vào tính khả thi của dự thảo Nghị định và tránh được "vết xe cũ" của những lần tinh giản biên chế trước đó./. (Theo ĐCSVN)

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG