Sáng 26/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 15 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của UBND tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 5 năm triển khai Chương trình số 15, nền nông nghiệp của tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Có 6 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với mục tiêu của Chương trình số 15 đề ra. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 đạt 5,18%; giá trị sản xuất năm 2020 đạt gần 30.200 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015.
Tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, có 27 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt với tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng; 145 dự án chăn nuôi được nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng. Từ đó, đã đưa ngành Nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp, tập trung. Cùng với đó, đã hình thành được 12 chuỗi liên kết giá trị với sự tham gia của các tổ liên kết, hợp tác xã, doanh nghiệp và gần 12.000 hộ nông dân gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, tỉnh đã có 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) là chanh leo và cà phê. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đã chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 87/182 xã và 90/1.314 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận để tháo gỡ những khó khăn,vướng mắc trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay, xu hướng hội nhập, liên kết ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi ngành Nông nghiệp của tỉnh phải có đổi mới toàn diện theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, hiệu quả. Trên cơ sở đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung xây dựng quy hoạch nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với hướng đi cụ thể, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu kết luận hội nghị.
“Nếu ngành Nông nghiệp mà chỉ để một mình người dân làm mà không tạo ra chuỗi liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước thì hiệu quả của ngành Nông nghiệp sẽ không cao; và thiệt thòi lớn nhất vẫn là người nông dân. Khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho hợp tác xã và các mô hình liên kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương huy động các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân và lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo phát huy được hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng và triển khai các đề tài khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, công nghệ chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 để triển khai một trong bốn chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã xác định. Trong đó, có những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà ngành Nông nghiệp phải đạt được trong thời gian đến.
Hoàng Thiên