Những năm qua, tỉnh đã quan tâm tăng cường nguồn lực nhằm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đầu tư nguồn lực về con người, tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; hiện có 03 trung tâm tham gia kiểm nghiệm thực phẩm (Trung tâm kiểm nghiệm Mỹ phẩm - Dược phẩm, Trung tâm Tiêu chuẩn và Đo lường, Trung tâm Y tế dự phòng), riêng Trung tâm Tiêu chuẩn và Đo lường đã được Bộ Y tế chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành được chú trọng. Các sở, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm của phòng y tế và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Những năm qua, tỉnh tổ chức 439 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, triển khai phổ biến các văn bản mới cho 24.555 lượt người tham gia... Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp được kiện toàn và ban hành các quy chế làm việc, quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức bộ máy, biên chế, nhân lực tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các ngành được tăng cường. Tuyến tỉnh, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân lực tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các ngành như sau: Tổng số biên chế, chuyên trách và kiêm nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành Y tế là 31 người (chuyên môn chủ yếu là y khoa, công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm); ngành nông nghiệp 29 người (chủ yếu là nông học, bảo vệ thực vật, bác sĩ thú y); ngành công thương... Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm; mỗi xã, phường, thị trấn có một cộng tác viên và nhân viên y tế thôn, bản thực hiện giám sát dịch và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý thanh tra được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội; hiện toàn tỉnh có 02 cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tại tuyến huyện hiện chưa có chỉ tiêu biên chế cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.
.jpg)
Công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, hoạt động thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, theo ngành, lĩnh vực và theo phân cấp quản lý nhà nước; qua đó phát hiện, ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm qua (2010 - 2018), toàn tỉnh đã tổ chức 3.424 cuộc thanh tra, kiểm tra 24.093 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thủ tục. Những năm qua, tỉnh đã cấp 1.813 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, Ngành Y tế cấp 1.467 giấy; Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp 126 giấy; Ngành Công thương cấp 220 giấy. Ngoài ra, việc cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, các ngành đã tổ chức thực hiện đánh giá và cấp 1.696 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, trong đó: Ngành Y tế cấp 1.143 giấy, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp 278 giấy, Ngành Công thương cấp 275 giấy.
Thời gian đến, các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của "Chuỗi cung cấp thực phẩm"; chú trọng xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện, có biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn; triển khai tốt Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; bố trí biên chế đội ngũ chuyên trách hợp lý, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở. Tạo điều kiện cho các đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động tham gia tư vấn, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông