Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, trong 10 năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Gia Lai có tổng chiều dài 12.890 km, gồm 06 quốc lộ, 10 đường tỉnh, mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông đô thị, đường chuyên dùng cùng với Cảng Hàng không Pleiku. Thời gian qua, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, tập trung vốn cho các công trình dự án cấp bách, trọng điểm, ưu tiên các dự án nâng cấp các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch.
.JPG)
Đơn vị thi công tiến hành thảm bê tông nhựa đường Hồ Chí Minh-đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Hạ tầng giao thông nông thôn được tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng, phục vụ công tác giảm nghèo, bảo đảm cho các xã có đường ô tô được cứng hóa vào đến trung tâm xã, 86,93% đường trục thôn, làng được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đến năm 2022, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh bao gồm 01 Cảng Hàng không đạt tiêu chuẩn 4C; 06 tuyến Quốc lộ có tổng chiều dài 764 km; 10 tuyến đường tỉnh có tổng chiều dài 372 km; 965 km đường đô thị; cùng kết nối hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10.789 km; 100% xã có đường ô tô, được cứng hóa vào đến tận trung tâm xã; 138/182 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, nhất là trong các dịp Lễ, Tết, sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Ứng dụng tin học trong quản lý, chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao, số lượng tuyến vận tải khách tăng, hình thành và mở mới nhiều tuyến vận tải quốc tế (Campuchia, Lào), sản lượng vận tải năm sau tăng hơn năm trước. Thực hiện giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm; định kỳ cập nhật, thông báo, công bố và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tra cứu các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang triển khai phân cấp công tác đăng ký, quản lý phương tiện cho Công an cấp huyện, cấp xã và phần mềm Đăng ký sử dụng dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử, rút ngắn thời gian cấp đăng ký xe, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giải quyết các thủ tục được nhanh chóng. Tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh đang quản lý là 979.938 phương tiện, gồm 56.032 ô tô; 920.976 mô tô và 2.930 xe máy điện. Ban hành trên 300 văn bản triển khai các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tỉnh có 09 cơ sở đào tạo lái xe, 13 trung tâm sát hạch, 12 sân sát hạch lái xe và hệ thống phòng học, trang thiết bị, sân tập lái hiện đại, đạt tiêu chuẩn và đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo, sát hạch lái xe của người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn
Tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương và theo chủ đề an toàn giao thông hằng năm do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề ra. Tổ chức Lễ ra quân, Chương trình “Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” hằng năm; phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Chương trình “Kết nối cộng đồng - Vì an toàn giao thông”; tham gia đầy đủ, tích cực và đạt giải cao tại các hội thi do các bộ, ngành Trung ương tổ chức; triển khai Dự án “Giảm tốc độ, Trường học an toàn - Slow Zones, Safety Zones”.
Triển khai các chương trình liên quan đến mũ bảo hiểm cho trẻ em do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Honda Việt Nam, Quỹ AIP, Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamaha motor Việt Nam tổ chức, tạo tác động lan tỏa rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông được tiến hành thường xuyên, làm cho nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được nâng lên; đồng thời, từng bước hình thành ý thức thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông” trong thế hệ trẻ.
Tăng cường thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông
Tăng cường chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương thường xuyên phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện, phát huy tối đa hiệu quả thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết hợp giữa biện pháp tuần tra, kiểm soát công khai với hóa trang, bí mật sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong 10 năm, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 857.016 trường hợp; xử lý 802.014 trường hợp vi phạm, số tiền 371,1 tỷ đồng. Tạm giữ 5.734 ô tô, 160.319 mô tô, 734 phương tiện khác, 594.066 giấy tờ xe, tước 33.603 giấy phép lái xe. So sánh với 10 năm trước đó liền kề, số phát hiện tăng 28,24%, số xử phạt tăng 33,82%, số tiền tăng 78,45%. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã phát hiện 3.654 vụ vi phạm hành chính, tiến hành lập 5.231 biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.415 tổ chức và 3.816 cá nhân, số tiền 27 tỷ đồng, tước 1.441 giấy phép lái xe, 117 phù hiệu vận tải./.
Bảo Ngọc