Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 26/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực, nhất là công tác quy hoạch và đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch.
Trong những năm qua, bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của thành phố được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, vệ sinh môi trường,... gắn với chỉnh trang đô thị, tu bổ các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí, như: Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Di tích lịch sử văn hóa Biển Hồ, Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm Mộ Liệt sỹ Hội Phú, Nhà thiếu nhi tỉnh…, đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của người dân địa phương và thu hút khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ khi công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết và Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khánh thành, đưa vào sử dụng đã thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến Pleiku tham quan du lịch.
Đến nay, thành phố đã có quy hoạch chi tiết về xây dựng Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai tại phường Diên Hồng và quy hoạch Khu vực Lâm viên Biển Hồ tại xã Biển Hồ; đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND, ngày 19/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, quy trình và thủ tục thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đang thực hiện quy trình kêu gọi đầu tư: Chợ Yên Thế; Chợ đầu mối; Khách sạn 5 sao, Trung tâm Hội nghị và Trung tâm Thương mại cao cấp tỉnh Gia Lai; Khu du lịch sinh thái suối Hội Phú... Trên địa bàn thành phố, có nhiều khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng hiện đại và quy mô, như: Khách sạn Tre Xanh, khách sạn Pleiku, khách sạn Sê San, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, khách sạn Khánh Linh...; tính đến nay có gần 70 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 01 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao… với tổng số trên 1.800 phòng và gần 3.000 giường; hầu hết các khách sạn, nhà khách trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhưng chất lượng phục vụ được đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.

Khuôn viên Công viên văn hóa Đồng Xanh
Khu di tích lịch sử văn hóa Biển Hồ hằng năm đều được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện cho du khách đến tham quan du lịch. Đặc biệt trong năm 2017, tỉnh Gia Lai đã đầu tư kinh phí xây dựng bờ kè xung quanh Khu di tích; thành phố đã tạo điều kiện cho Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức phục dựng Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại khu vực Đồi Vọng cảnh. Ngoài ra, còn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống điện chiếu sáng, bãi giữ xe, lắp đặt bảng chữ “BIỂN HỒ PLEIKU”... nhằm tạo nên một điểm đến đẹp trong lòng du khách. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia theo Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đây là điều kiện quan trọng để xây dựng các định hướng phát triển, giải pháp quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch liên quan, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Pleiku phát triển.
Năm 2008 - 2009 từ nguồn ngân sách địa phương, thành phố đã đầu tư hơn 02 tỷ đồng để xây dựng Làng văn hóa du lịch Plei Ốp tại phường Hoa Lư. Trong năm 2017, đầu tư trên 500 triệu đồng để tu bổ nhà rông với nhiều hạng mục như: Lợp lại mái nhà rông, hệ thống điện chiếu sáng, sắp xếp, trang trí lại nhà rông, dựng cây nêu tại sân nhà rông… Để tiếp tục phát triển, đầu tư Làng văn hóa du lịch Plei Ốp trở thành điểm tham quan du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên; trong năm 2018, thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí để xây dựng các hạng mục như: Hình thành đường hoa vào Làng với kinh phí 500 triệu đồng; Xây dựng Khu vườn tượng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí 450 triệu đồng; Đầu tư sơn sửa lại cổng chào, hệ thống nước, sửa chữa nhà dài, sửa chữa lại khu giọt nước, mua thêm các sản phẩm trưng bày tại nhà rông với kinh phí 300 triệu đồng; Hỗ trợ 01 tỷ đồng để phát triển du lịch tại làng Plei Ốp.
Thành phố đã xây dựng Đền tưởng niệm Mộ Liệt sỹ tại phường Hội Phú với tổng vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 02 tỷ đồng; ngân sách thành phố hơn 2,6 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp hơn 1,4 tỷ đồng). Năm 2017, thành phố đầu tư 01 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa một số hạng mục của Đền tưởng niệm Mộ Liệt sỹ Hội Phú; bên cạnh đó còn trùng tu, xây dựng Nhà lao Pleiku - Khu di tích lịch sử cấp quốc gia với kinh phí trên 03 tỷ đồng. Tại các di tích này, thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm, viếng, dâng hương tưởng niệm phục vụ người dân và các hoạt động của thanh thiếu niên học sinh, như: Tổ chức thi tìm hiểu về di tích lịch sử, kết nạp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Nhìn chung, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển, nhiều khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng hiện đại. Một số điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí đã được đầu tư nâng cấp. Các sự kiện về văn hóa, thể thao quy mô quốc tế, quốc gia, khu vực thường xuyên tổ chức tại địa bàn, góp phần thu hút khách du lịch đến thành phố Pleiku.
Bài, ảnh: Huy Bảo