Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI-2018 tại Gia Lai diễn ra với đêm thơ-nhạc đầy lắng đọng, khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác trong đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng như góp phần đem thơ đến gần hơn với công chúng tỉnh nhà.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI-2018 với chủ đề “Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước” vừa được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng đẹp, khơi dậy nguồn cảm hứng cho người yêu thơ trên địa bàn tỉnh. Đêm thơ-nhạc thứ nhất được tổ chức trong không gian rộng mở tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), ngay dưới chân cột đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Đêm thứ hai được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Chính những không gian rộng mở và ấm cúng ấy đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả.
 |
Th.s Nhan Thị Hằng Nga với giọng ngâm đầy xúc cảm trong bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: P.V |
Ngày Thơ Việt Nam năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ra đời bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh-bài thơ năm nào cũng mở đầu cho đêm thơ tại Gia Lai, được thể hiện bởi giọng ngâm truyền cảm của Th.S Nhan Thị Hằng Nga. Chương trình là dịp để các nhà thơ trong tỉnh giới thiệu, quảng bá sáng tác của mình đến với đông đảo công chúng. Có thể kể đến các tác phẩm: “Tổ quốc” (Phạm Đức Long), “Sợi nắng đầu tiên của mùa xuân” (Hoàng Thanh Hương), “Giấc mơ quê” (Ngô Thanh Vân), “Xuân tình yêu” (Lê Vi Thủy), “Tháng ba trôi” (Nguyễn Minh Tuấn), “Nửa chiều Pleiku” (Nguyễn Như Bá)… Không chỉ vậy, chương trình còn đưa khán giả ngược ký ức cùng các bài thơ được phổ nhạc đã đi cùng năm tháng như: “Quê hương” (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Giáp Văn Thạch), “Lời ru trên nương” (thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc Trần Hoàn), “Mùa xuân nho nhỏ” (thơ Thanh Hải, nhạc Trần Hoàn)…
Thơ luôn là một trong những thể loại văn học chứa đựng nhiều cảm xúc nhất. Nói về “Giấc mơ quê” của mình, nhà thơ Ngô Thanh Vân chia sẻ: “Bài thơ được sáng tác trong một dịp Tết cách đây khá lâu khi chợt cảm nhận được nỗi nhớ về Tết quê hương của ba mẹ mình. Đó là lời thơ của một người con viết thay nỗi nhớ quê của cha mẹ với những hình ảnh hết sức thân thuộc như: nấu bánh chưng, sợi khói bay lên từ căn bếp, vị nước vối… Và, đêm thơ này là cơ hội để tôi bày tỏ nỗi lòng, đồng thời cũng là dịp để những sáng tác của tôi thêm một lần đến gần hơn với công chúng”.
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI-2018 là dịp để các sáng tác của anh chị em nghệ sĩ trong tỉnh đến gần với công chúng hơn. Qua đây, chúng tôi cũng muốn truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu với thơ văn, tìm kiếm tài năng để làm phong phú thêm đội ngũ sáng tác của tỉnh nhà. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp thêm không khí vui tươi trong mùa Xuân”. |
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, đêm thơ-nhạc cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Không khí trong hội trường rộng lớn nóng dần lên sau mỗi tiết mục bởi những tràng pháo tay, sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Em Nông Thị Nguyệt (lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên chúng em được tham dự một đêm thơ ý nghĩa như vậy. Đêm thơ-nhạc đã giúp tụi em hiểu thêm về thơ văn địa phương. Hơn hết, chúng em còn được trực tiếp gặp những nhà văn, nhà thơ trong tỉnh, được nghe các cô, các chú hát, ngâm thơ rất hay; nhờ đó mà có thêm cảm hứng, tình yêu với văn học hơn”.
Theo GLO