Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão GONI, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ sản xuất các công trình hạ tầng và vùng hạ du hồ chứa. UBND vừa có Công điện số 12 về việc Khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão số 10 (GONI)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, 7h sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6-8 khoảng 140 km tính từ tâm bão. So với dự báo lúc 4h sáng, bão đã giảm một cấp.
Bão duy trì tốc độ 15-20 km/h trong hai ngày tới. Đến 7h ngày 3/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km.
Đến 7h ngày 4/11, tâm bão cách Quảng Nam khoảng 300 km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 220 km, cách Phú Yên khoảng 240 km, sức gió vẫn cấp 8, giật cấp 10.
Những ngày tiếp theo bão giảm tốc, còn 10 km/h, đổ bộ đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự kiến hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Goni. Ảnh: NCHMF
Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão GONI, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ sản xuất các công trình hạ tầng và vùng hạ du hồ chứa. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình, nhà ở không đảm bảo an toàn để chủ động tổ chức chằng chống trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà cửa, sơ tán, di dời người và tài sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông khi bão lũ xảy ra.
Triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương chỉ đạo các chủ hồ thủy lợi, thủy điện vận hành đảm bảo an toàn, đúng quy trình vận hành, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Hoàng Thanh