Gia Lai có diện tích đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao, lượng mưa lớn, có nhiều sông, suối, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng; trong đó có rau, hoa và cây ăn quả. Những năm qua, rau, hoa tươi và cây ăn quả đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; là nhóm cây trồng tiềm năng, có lợi thế của địa phương.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa, cây ăn quả trong tỉnh còn nhiều khó khăn; sản xuất phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; còn hạn chế trong tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng...
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU, ngày 11 tháng 11 năm 2019 về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 là tiền đề, cơ sở thúc đẩy phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường, các nhà máy chế biến của tỉnh; đồng thời, thúc đẩy việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
.jpg)
Thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; thực hành sản xuất theo các quy trình, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Các giải pháp về phát triển thị trường đã từng bước hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu nông sản.
Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững đã thúc đẩy nhanh việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân; từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được mùa mất giá và phát triển sản xuất ổn định, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh; thúc đẩy sản xuất rau, hoa, cây ăn quả gắn với nhu cầu thị trường và các cơ sở, nhà máy chế biến của tỉnh. Đưa vào các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và thời gian thu hoạch kéo dài gắn với việc đẩy mạnh thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ… Nhờ vậy, vị thế, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm rau, hoa, quả của tỉnh được nâng lên trên thị trường trong và ngoài nước.
Các mô hình sản xuất bước đầu đã cho thu nhập cao như: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng hoa cúc cho thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng chuối Già hương Nam Mỹ xuất khẩu cho thu nhập khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha...
Bên cạnh những hiệu quả về mặt kinh tế mang lại, việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU cũng đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người dân thông qua việc thu hút được 04 nhà máy chế biến rau, quả có quy mô lớn và các cơ sở chế biến, đóng gói rau, quả quy mô nhỏ, vừa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển vùng nguyên liệu tại các địa phương; góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế việc di dân đi tìm việc làm ở các nơi khác.
Nâng cao kỹ thuật canh tác và tay nghề cho nông dân thông qua các lớp tập huấn, đào tạo về trồng trọt, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; phát triển hợp tác xã sản xuất, chế biến rau, quả… góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thông qua việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất, đã sử dụng hiệu quả nguồn vật tư đầu vào và nguồn tài nguyên nước, nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước phát triển và hình thành các chuỗi giá trị sản xuất rau, hoa, quả bền vững gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; giảm thiểu các phế phẩm có nguồn gốc hóa học trong canh tác, chế biến, bảo quản; góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và xây dựng không gian cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Nhìn chung, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã mang lại những hiệu quả rất tích cực về mặt kinh tế, hiệu quả về mặt xã hội và môi trường; quan trọng nhất vẫn là góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Thiên An