Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn ảnh: thanhnien.vn). 

Trên thực tế điểm số gắn liền với lượng kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, không ít trường hợp học sinh đạt điểm cao nhưng “ kiến thức có hạn”.  Để đạt được điểm số cao trên sách vở đồng nghĩa với việc học sinh có ít quỹ thời gian cho việc tìm hiểu kiến thức ngoài đời thực.

Việc coi trọng điểm số, thiếu kiến thức thực tế cũng một phần phụ thuộc vào cách giáo dục của nhà trường và cha mẹ học sinh. Có những giáo viên lựa chọn cách an toàn, gọt giũa cho học sinh đạt điểm cao thường sẽ ít mở rộng thực tế, chủ yếu dạy kiến thức từ sách vở. Và để đòi hỏi học sinh được đánh giá cao về cả kiến thức sách vở và kiến thức thực tế là điều không thể với những đứa trẻ mới lớn.

Phụ huynh cũng chính là tác nhân khiến không ít học sinh phải học vì điểm số. Rất nhiều phụ huynh đang vì bệnh thành tích mà xem nhẹ những kiến thức xã hội cần thiết khác. Đối với học sinh bậc THPT ngoài việc học lẽ ra còn biết làm nhiều công việc khác trong gia đình, ngoài xã hội, nhưng chính cha mẹ học sinh đã đánh mất đi sự tự chủ của các con chỉ vì điểm số. Bởi vậy mới có những “đứa trẻ 18 tuổi” chưa chịu lớn, không biết tự lập.

Từ chương trình học, từ cách dạy, cách học, cách thi, người lớn đã và đang tạo ra những "cỗ máy” học vì điểm số. Học sinh học thực dụng, thi thực dụng để đạt điểm số cao. Chính vì thế tình trạng học tủ bao năm vẫn diễn ra và chưa có lời giải. Các “lò luyện thi” cứ mỗi dịp cuối năm học lại hoạt động hết công suất. Đáng chú ý khi những lò luyện này hoạt động từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT.

Phải chăng chính vì điểm số, vì bệnh thành tích mà cách dạy học này đang khiến cho khoảng cách kiến thức trong sách vở chênh lệch ngày càng lớn với kiến thức đời thực?