The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
19/04/2017 - Lượt xem: 2579
Hiện nay Quốc hội đang lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, bản thân cơ bản thống nhất về bố cục và nội dung của dự thảo Luật, đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến như sau:

1. Về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan có liên quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật. Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm chỉnh sửa, khắc phục những sai sót kỹ thuật, các quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trên thực tế là điều hết sức cần thiết.

Theo quan điểm cá nhân, Bộ luật Hình sự là một văn bản luật có vai trò rất quan trọng, có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, việc kéo dài thời gian có hiệu lực sẽ gây rất nhiều khó khăn, phức tạp cho việc đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự nói chung và hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng. Do đó, cần phải tập trung sửa đổi, bổ sung một cách chính xác những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện, những quy định chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và bổ sung các quy định mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung 03 đạo luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (đối với các quy định mới cần có thời gian nghiên cứu một cách toàn diện, đối chiếu với các quy định của các luật khác để điều chỉnh một cách chính xác, khoa học và có phương án sửa đổi phù hợp trong thời gian tới mà không nên quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này).

2. Đối với quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội theo khoản 1, Điều 1 - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (khoản 2 của Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015)

Về cơ bản thống nhất với việc bổ sung quy định về phân loại tội phạm trong dự thảo Luật, qua đó làm căn cứ trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử... đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu lại cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại cho phù hợp hơn nhằm  làm cơ sở chính xác cho việc xử lý hình sự đối với pháp nhân. Vì khoản 2 của Điều 9 nêu: "Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại dựa trên cơ sở phân loại tội phạm quy định tại khoản 1, Điều này và các quy định tương ứng... ". Trong khi tại khoản 1 Điều 9 chỉ nói đến hình phạt tù, nhưng lại áp dụng cho pháp nhân thương mại, trong khi đó hình phạt đối với pháp nhân thương mại lại không có hình phạt tù."

Mặt khác, hình phạt tiền đối với cá nhân để vận dụng áp dụng cho pháp nhân theo như khoản 1 Điều 9 là rất nhẹ, mà tính chất pháp nhân thương mại vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thì gây hậu quả đặc biệt lớn và số tiền cũng rất lớn, lớn hơn nhiều so với cá nhân, quy định này là bất cập, sẽ gây khó khăn cho việc xử lý hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.

 Do đó, đề nghị Điều 9 cần phải thiết kế ấn định một khoản tiền tương ứng đối với hình phạt tù của khoản 1 để quy định cụ thể cho pháp nhân thương mại, như vậy mới dễ dàng trong áp dụng thực tế (giống như quy định việc xử phạt hành chính phải gấp đôi so với cá nhân khi cùng một hành vi vi phạm). 

Bên cạnh đó cần làm rõ khái niệm pháp nhân thương mại trong Luật, bởi hiện nay để xác định rõ thế nào là pháp nhân thương mại chưa có cách hiểu thống nhất, nhưng đã quy định xử lý tội phạm hình sự đối với pháp nhân thương mại thì phải có quy định rõ, nếu không sẽ gây khó khăn cho việc xử lý hình sự.

3. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo khoản 2, Điều 1 - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015)

Theo dự thảo Luật, bản thân tôi chọn Phương án 1 - Tức là phải sửa đổi khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: …”.

Vì việc quy định như Phương án 1 vừa bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các Bộ Luật hình sự (BLHS) từ trước đến nay của Nhà nước ta; vừa bảo đảm việc đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng phạm tội, nhất là các đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên đang có xu hướng gia tăng cả hình thức lẫn tính chất manh động, côn đồ như hiện nay nên không thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với đối tượng này như Phương án 2. Mặt khác, việc quy định như Phương án 2 rất phức tạp, làm cho các quy định pháp luật “rối rắm”, khó hiểu.

4. Tội gây ô nhiễm môi trường theo khoản 52, Điều 1 - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 235 BLHS năm 2015)

- Điểm b khoản 1 Điều 235 BLHS năm 2015, bản thân chọn Phương án 1. Vì trong thời gian qua, một số doanh nghiệp xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề bức xúc dư luận, gây hủy hoại môi trường sống của người dân ở rất nhiều nơi (biển, sông ngòi, nguồn nước ngầm,...)  nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh; cũng như chưa có các quy định pháp luật quy định rõ, chặt chẽ để xử lý. Do đó, việc quy định như Phương án 1 vừa bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng; vừa hạ định mức nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hơn Phương án 2 (từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày là khung quá rộng), nhằm hạn chế các chất thải nguy hại ra môi trường và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm môi trường.

- Tương tự như đã giải thích ở trên tại điểm d khoản 1; điểm b khoản 2; điểm d khoản 2; điểm b khoản 3; điểm d khoản 3 -  Điều 235 BLHS năm 2015, bản thân chọn Phương án 1.

5. Về việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015 từ khoản 60 đến khoản 66, Điều 1 - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (các điều từ 248 đến 252 BLHS năm 2015 )

Trong thời gian qua, các loại chất ma túy, cây có chứa chất ma túy xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm liên quan đến ma túy, là nguyên nhân lớn dẫn đến việc phát sinh các loại tội phạm khác, nhất là đối với giới trẻ. Do đó, bản thân tôi thống nhất cao về việc bổ sung các chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện ở nước ta vào BLHS năm 2015 để có cơ sở xử lý. Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên bổ sung những chất ma túy mà chúng ta đã biết rõ tên, nguồn gốc như chất XLR-11 và lá KHAT. Còn những cây khác có chứa chất ma túy mà chúng ta chưa biết được thì chưa nên bổ sung vào BLHS vì như thế sẽ gây nhiều khó khăn trong thực tế xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến các loại chất và cây này của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể như: Việc phân loại, giám định hóa sinh học để xác định có phải là chất ma túy không, hàm lượng chất ma tuý như thế nào; việc định lượng để xác định hành vi phạm tội;...

6. Tội rửa tiền theo khoản 114, Điều 1 - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 324 BLHS năm 2015)

Theo dự thảo Luật, bản thân tôi chọn Phương án 1 - Tức là bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại về tội rửa tiền. Vì quy định như Phương án 1 vừa phù hợp với một số công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên, trong đó có yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết phải hình sự hóa hành vi phạm tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với pháp nhân thương mại; vừa tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền “lợi dụng danh nghĩa pháp nhân”.

7. Ngoài ra, đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh Điều 142 - Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi cho phù hợp. Vì tất cả các hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi là hành vi hiếp dâm, nhưng người từ đủ 13 tuổi chỉ là một khoảng cách thời gian rất nhỏ. Vì vậy, cần phân loại hai độ tuổi đối với độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi để làm tình tiết tăng nặng nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em đang gia tăng hiện nay.

Ví dụ: Từ đủ 13 tuổi đến dưới 14 tuổi nên được xem xét là tình tiết tăng nặng, vừa làm hạn chế “độ rộng của khung luật -  từ 07 năm đến 15 năm” vừa làm giảm “nguy cơ lách luật”, làm cơ sở tăng nặng hình phạt, góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em đang gia tăng hiện nay.     

Ths. Đào Trọng Giáp - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG