Những năm qua, xác định cơ cấu lại nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên các phương tiện thông tin.
Qua 05 năm thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng, giá trị; xây dựng, triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến để các địa phương, đơn vị học tập kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất.
Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp có nhiều chuyển biến. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành nông nghiệp đạt 5,18%/năm; năm 2020, giá trị sản xuất đạt 30.186 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015. Ngành nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU; trong 14 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, có 06 chỉ tiêu đạt và vượt (tỷ trọng ngành nông nghiệp; số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo); 07 chỉ tiêu không đạt (giá trị sản sản xuất toàn ngành; thu nhập bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; tỷ lệ trường học công lập (điểm trường chính) có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh).

Lễ xuống đồng đầu năm của nhân dân xã Ayun, huyện Chư Sê
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, triển khai thực hiện. Các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách thực hiện được ban hành kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi vào cuộc sống của người dân, đem lại hiệu quả trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đem đến diện mạo mới cho phát triển đời sống người dân nông thôn. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 17 xã so với mục tiêu); bình quân đạt 15,59 tiêu chí nông thôn mới/xã; có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có thêm 56 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 65,9% kế hoạch, nâng tổng số thôn, làng đạt chuẩn lên 97 thôn, làng. Có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020).
Thời gian đến, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Xây dựng cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; quy định cụ thể Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (thôn, làng, xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) cho phù hợp với điều kiện của tỉnh; xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025, sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do Hội đồng nhân dân các cấp thông qua.
Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn; nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo hệ thống; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại và xử lý, với các mô hình phù hợp (liên xã, liên huyện). Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, trong đó tập trung vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; tình hình sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; kết quả thực hiện các Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Phương Anh