Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà có bước phát triển quan trọng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và địa phương về thực hiện Luật thể dục thể thao được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao đạt được kết quả, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội và sự nghiệp phát triển thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi với mọi đối tượng, thu hút 30,5% dân số thường xuyên tham gia tập luyện, trên 23,8% số hộ gia đình tập luyện thường xuyên; hơn 783 câu lạc bộ thể dục thể thao sở cơ sở xã, phường, thị trấn, trong các cơ quan, đơn vị được thành lập. Trung bình hằng năm, cấp tỉnh tổ chức từ 13 - 15 giải, cấp huyện từ 7 - 8 giải, cấp xã từ 3 - 4 giải; các giải thường gắn với với các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; thể thao dân tộc và các hình thức trò chơi dân gian cũng được khôi phục và phát triển. Thể thao thành tích cao được quan tâm, tỉnh đã tập trung vào một số môn trọng điểm như: Bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, whushu, kich - boxing, võ cổ truyền. Giáo dục thể chất và thể thao trường học được chú trọng. Các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân đều thực hiện chương trình nội khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học đã tổ chức được các buổi ngoại khóa cho học sinh, tổ chức các giải thi đấu thể thao nhằm đẩy mạnh phong trào trong học đường. Việc thực hiện các quy định của Luật thể dục thể thao được triển khai nghiêm túc; chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục thể thao được triển khai rộng rãi với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Đội bóng chuyền nữ Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Đ.V
Cơ sở tập luyện, hiện nay, toàn tỉnh có 10 sân vận động có khán đài; 13 sân vận động không có khán đài; 09 nhà thi đấu có khán đài; 36 nhà thi đấu không có khán đài; 08 hồ bơi, hồ tập và bể bơi; 120 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; 243 sân bóng đá đơn giản; 267 sân bóng chuyền đơn giản; 782 bàn billiards snoker; 49 sân quần vợt; 201 sân cầu lông. Một số công trình phục vụ thi đấu được xây dựng khá quy mô, như: Sân vận động Pleiku có sức chứa 10.000 chỗ ngồi, khán đài có mái che; nhà thi đấu đa năng của tỉnh có sức chứa 2.000 chỗ ngồi; Nhà thi đấu Binh đoàn 15; Nhà thi đấu, sân vận động và hồ bơi Quân đoàn 3..., đáp ứng được một số giải thi đấu khu vực, toàn quốc và quốc tế.
Tuy nhiên, vì là một tỉnh miền núi địa bàn rộng, nguồn đầu tư ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội cho phát triển thể dục thể thao còn thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dụng cụ phục vụ hoạt động thể dục thể thao còn thiếu thốn, lạc hậu nên phong trào thể dục thể thao còn hạn chế nhiều mặt. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển chưa đồng đều, chất lượng chưa cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thể thao thành tích cao bước đầu được xây dựng nhưng thiếu đồng bộ cần được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư trong thới gian tới.
Thúy Hạnh