Giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng, thường xuyên, liên tục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Tuy nhiên, để đưa các chủ trương, chính sách về giảm nghèo vào cuộc sống và triển khai một cách hiệu quả, thì một trong những nhân tố quan trọng không thể thiếu đó là trình độ, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo.
Xác định được tầm quan trọng về trình độ, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đối với việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, thời gian qua, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã luôn quan tâm kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Thực hiện Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; 182/182 xã thành lập ban quản lý các chương trình dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (đi đầu) cùng đoàn công tác thăm làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang).
Cơ quan thành viên ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã phân công phòng chuyên môn theo dõi, triển khai công tác giảm nghèo; các sở, ngành có sự phối hợp ngày càng tốt với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh. Cấp huyện đã giao phòng lao động - thương binh và xã hội là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp ủy ban nhân dân cấp huyện, ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện triển khai chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ. Cấp xã bố trí công chức văn hóa - xã hội tham mưu triển khai các hoạt động giảm nghèo bền vững, tích cực huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể cấp xã và trưởng các thôn, làng trong hoạt động giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 83/2018/NQ-HĐND, ngày 12 tháng 7 năm 2018 quy định về tổ chức mạng lưới, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ và chế độ đối với đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; trên cơ sở đó, thành lập đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo từ cán bộ các hội, đoàn thể cơ sở với số lượng 70 người, bố trí ở huyện nghèo, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn; các địa phương ban hành quyết định công nhận cộng tác viên giảm nghèo ở địa phương và tổ chức cho đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo hoạt động.
Hoạt động nâng cao năng lực giảm nghèo bền vững được thực hiện thường xuyên. Các sở, ban, ngành và các địa phương đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, cán bộ làm công tác giảm nghèo, công tác dân tộc và thông tin truyền thông ở cấp huyện, cấp xã; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo và cộng đồng. Nhờ vậy, năng lực thực hiện công tác giảm nghèo của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức 01 lớp tập huấn cho hơn 50 người là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; bí thư, phó bí thư các huyện, thị xã, thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức trên 100 lớp tập huấn nghiệp vụ giảm nghèo cho trên 9.000 lượt cán bộ giảm nghèo các cấp. Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương đã triển khai 612 lớp tập huấn thực hiện Chương trình 135 và công tác dân tộc với 30.911 lượt người tham gia. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 18 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác thông tin, truyền thông tại cơ sở cho 938 người. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 122 buổi tuyên truyền, tập huấn cho 40.438 lượt hội viên, phụ nữ. Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn 697 lớp tập huấn cho hơn 15.402 lượt người tham gia…
Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 45.688 hộ, chiếm tỷ lệ 12,09% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 40.475 hộ, chiếm tỷ lệ 25,58% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh; chiếm 88,59% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Tổng số hộ cận nghèo 33.866 hộ, chiếm tỷ lệ 8,96% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 24.839 hộ, chiếm tỷ lệ 15,70% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh; chiếm 73,33% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh. Người nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đức Thịnh