Những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định và căn cứ vào lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương mình nhằm kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc bãi bỏ những quy định về thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, không đáp ứng được các nguyên tắc quy định thủ tục hành chính tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính... đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về cải cách thủ tục hành chính.
Công tác rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính được chú trọng. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch rà soát thủ tục hành chính trọng tâm, với tổng số thủ tục hành chính được tiến hành rà soát, đánh giá là 68 thủ tục hành chính; chỉ đạo, giao các đơn vị rà soát các quy định thủ tục hành chính còn bất cập, không cần thiết, không phù hợp hoặc không đáp ứng các quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP nhằm kịp thời phát hiện, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Triển khai thực hiện tốt việc công bố, công khai, nhập dữ liệu thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính. Giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 409 quyết định; công bố 5.309 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, gồm: 2.419 thủ tục hành chính mới ban hành, 1.188 thủ tục hành chính sửa đổi và công bố bãi bỏ 1.702 thủ tục hành chính... Các thủ tục hành chính sau khi công bố đã được các đơn vị, địa phương niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên Trang thông tin điện tử nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện. Đồng thời, các thủ tục hành chính sau công bố được Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp dữ liệu để công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính. Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Tư pháp và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp nhận 29 nội dung phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Các nội dung phản ánh đã được xử lý hoặc chuyển đến các cơ quan liên quan xử lý theo đúng thẩm quyền. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đến nay, tất cả các sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và 220/220 ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã triển khai mô hình “Một cửa điện tử liên thông”.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh
Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Trên cơ sở đề xuất của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và các sở, ngành về thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh sang Bưu điện; Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh để Bưu điện thực hiện. Đến hết ngày 04 tháng 6 năm 2021, đã thí điểm theo đề án và nhân rộng việc thí điểm đối với các địa phương ngoài đề án cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 16/17 ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện Chư Sê, Mang Yang, Ia Grai, Chư Păh, Phú Thiện, Chư Pưh, Chư Prông, Krông Pa, Đak Pơ, Đak Đoa, Đức Cơ, Ia Pa, Kông Chro; thị xã Ayun Pa, An Khê và thành phố Pleiku), 14/220 ủy ban nhân dân cấp xã (thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh); thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông); thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ); thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện); xã Ia Rtô (huyện Ia Grai); thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ); xã Đăk Yă (huyện Mang Yang); xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh); xã Ia Rsươm và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa); xã Ia Blang (Chư Sê); xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa); phường Đoàn kết và phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa)). Việc xử lý thủ tục hành chính của các đơn vị, địa phương đã được công khai tại địa chỉ: http://motcua.gialai.gov.vn và được kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực với Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Về giải pháp trong thời gian đến, các cấp, các ngành xác định hằng năm xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện. Việc xây dựng và triển khai các giải pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; các nhiệm vụ, giải pháp gắn với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, chất lượng hoạt động công vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh về thời gian và tài chính cho doanh nghiệp, người dân...
Phương Anh