Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò công tác dân vận của Đảng, Nhà nước gắn với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, nhất là “Dân vận khéo”; chăm lo đời sống nhân dân đi đôi với nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để cả xã hội cùng học tập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu; vận động nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mở các lớp tập huấn, hội nghị về sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ hội viên, đoàn viên và nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào của các cấp, các ngành phát động đã đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia như: Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; các phong trào “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “3 phong trào phát huy thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 3 chýõng trình ðồng hành”,“Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”...
Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” như: Mô hình“Mỗi hộ gia đình có vườn rau xanh và cây ăn trái” tại chi hội phụ nữ các thôn Quyết Thắng - xã Ia Din, Chư bồ 1 và Chư bồ 2 - xã Ia Kla; câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại chi hội phụ nữ các làng Sung Kép 1 - xã Ia Kla, làng Khóp - xã Ia Krêl...; mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” và“Nuôi heo đất” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, đã tặng sổ tiết kiệm cho 38 hội viên với tổng số tiền 38 triệu đồng; mô hình “Biến rác thành tiền” của Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Tâm 2 - xã Ia Din với 20 người tham gia; mô hình “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi” với 53 cựu chiến binh tham gia, “Xây dựng Quỹ nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế” của Hội Cựu chiến binh huyện đã xây dựng được 4,5 tỷ đồng giúp nhau phát triển kinh tế; mô hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân huyện; mô hình “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế” của Huyện đoàn với 90 đoàn viên tham gia; mô hình “Cà phê VietGat” của Hội Nông dân huyện với 22 hộ dân tham gia, diện tích 16 ha; mô hình “Xóa 01 hộ đói, giảm 01 hộ nghèo” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện; mô hình “Thắp điện sáng đường” của mặt trận Tổ quốc các xã Ia Krêl, Ia Din, Ia Kla, Ia Dom; 03 Công ty cao su đứng chân trên địa bàn huy động trên 3.000 ngày công giúp nhân dân nạo vét kênh mương, tu sữa làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn và sữa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách 105,28 triệu đồng, tổ chức gắn kết hộ người kinh với hộ dân tộc thiểu số được 1.369 hộ; hỗ trợ gạo giáp hạt trên 500 tấn... Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, bộ mặt nông thôn, đô thị có những đổi thay tích cực.

Tuyên truyền, làm công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Đông
Cùng với kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng tạo được nhiều chuyển biến. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục huy động và phát huy tốt vai trò của Nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng; duy trì hiệu quả những mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Chỉ đạo huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, văn minh đô thị; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở.
Các hoạt động “Dân vận khéo” được triển khai đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, tiêu biểu như: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” được 2,2 tỷ đồng cùng với các nguồn tài trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã triển khai xây mới 214 căn nhà “Đại đoàn kết”, trị giá 6,3 tỷ đồng tặng cho các hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn; mô hình “Cộng đồng học tập, gia đình hiếu học, dòng họ học tập, đơn vị học tập, gia đình học tập” của Hội Khuyến học huyện; các mô hình “Con đường hoa, hàng rào xanh”, “3 trong 1” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; phong trào “Nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh; mô hình Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”, “Mỗi tổ chức đoàn có một trang mạng Facebook”, “Giúp đỡ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn”của Huyện đoàn; mô hình “Nông dân với pháp luật” của Hội Nông dân huyện; chương trình “Nâng bước em đến trường” của các Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Ia Nan, Ia Pnôn đã đỡ đầu lâu dài 15 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 02 cháu ở huyện Ôzađao - Campuchia (500.000 đồng/cháu/tháng); mô hình “Bếp ăn tình thương” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giúp đỡ 16 cháu học sinh nghèo vượt khó với kinh phí 5,1 triệu đồng/tháng; huy động hơn 14.000 ngày công giúp nhân dân...
Nhìn chung, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác dân vận. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và mở rộng. Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực xuất hiện có tính lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Phương Thanh