Sáng 30/8, Đoàn công tác do đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 và tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh buổi làm việc.
Cùng làm việc các đồng chí: Huỳnh Thế Mạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trương Văn Đạt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và một số sở, ngành.
Báo cáo với Đoàn công tác, đồng chí Đỗ Tiến Đông – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết xuất phát điểm của tỉnh Gia Lai 10 năm trước về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các yếu tố về điện, đường, trường trạm của tỉnh đều rất khó khăn. Thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, ngân sách dành cho đầu tư chung của tỉnh và ngành Giáo dục và Đào tạo gặp nhiều khó khăn; mặc dù tỉnh cũng đã quan tâm, ưu tiên kinh phí để phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 2013, sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ra đời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, nhiều chính sách đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo được ban hành. Kết quả, tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 59% (cuối năm 2022) là nỗ lực rất lớn của tỉnh. Nhiều mục tiêu đạt được, như: Duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đạt chuẩn xóa mù chữ. Việc tổ chức và tham gia các kỳ thi, cuộc thi… đạt thành tích cao. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia luôn đứng thứ hai và thứ ba của khu vực Tây Nguyên.
Về tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp học, cấp học trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã và đang triển khai tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình (đã tổ chức thực hiện đối với lớp 1 ở 03 năm học 2020 - 2021; đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022 và đối với lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023). Tất cả các trường đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học. Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy trình, quy định. Công tác xây dựng, biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm học 2020-2021 và đến nay.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi, làm rõ một số nội dung như: tình hình thiếu biên chế giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất giáo dục; tỷ lệ xã hội hóa trong giáo dục còn thấp so với trung bình chung cả nước; chính sách cho phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà; khó khăn trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; phân cấp, phân quyền trong lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác dạy học theo chương trình mới và tổ chức thi tốt nghiệp THPT…
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề nghị các ban, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí từ các nguồn vốn sự nghiệp, vốn đầu tư và các chương trình dự án nhằm đảm bảo nguồn lực cho tỉnh Gia Lai; đồng thời, có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ xem xét, giao bổ sung cho tỉnh Gia Lai số giáo viên, nhân viên đang còn thiếu để địa phương có thể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thực hiện tốt công tác giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng như chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát huy nhân tố con người; xác định được vai trò của GD-ĐT để tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW trong giai đoạn tiếp theo; quan tâm đến đội ngũ quản lý giáo dục, chính sách cho giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh. Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ trong thời gian đến.\
Thiên An