Sau 05 năm triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã ở tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Chính trị tỉnh Gia Lai)
Ngay sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc; đồng thời ban hành Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011 - 2015 và nhiều văn bản quy định cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, tập trung cho việc đào tạo chuẩn hóa các mặt kiến thức, nhất là trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh cho cán bộ, công chức xã.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Chính trị tỉnh Gia Lai)
Sau 05 năm triển khai thực hiện, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả cơ bản như sau:
- Về đào tạo trình độ trung cấp: Tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí cho việc mở 02 lớp đào tạo chuẩn hóa trung cấp chuyên môn cho 78 cán bộ, công chức cấp xã (Thanh vận: 39 học viên; Luật: 39 học viên).
- Về bồi dưỡng theo chức danh theo 13 bộ tài liệu do Bộ Nội vụ chuyển giao: Có 5.201 lượt cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Về số lượng cán bộ, công chức được tập huấn làm giảng viên nguồn tham gia bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: Tỉnh đã lựa chọn, cử 42 cán bộ, giảng viên của các sở, ngành liên quan và Trường Chính trị tỉnh có đủ điều kiện làm giảng viên bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo từng chuyên ngành đi dự các khóa tập huấn giảng viên nguồn do Bộ Nội vụ tổ chức. Sau khi tham gia tập huấn, các giảng viên nguồn tiếp tục tổ chức tập huấn lại cho 78 cán bộ, công chức của các sở, ngành và giảng viên Trường Chính trị tỉnh được lựa chọn thêm để tham gia trực tiếp đứng lớp giảng dạy theo từng chuyên ngành.
- Ngoài ra, hằng năm ngoài nguồn kinh phí của Trung ương phân bổ để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phân bổ kinh phí mở một số lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã bằng kinh phí của tỉnh, cụ thể:
+ Về đào tạo trình độ đại học: Đã phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp ngành Luật, Kinh tế, Hành chính, Nông nghiệp, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước cho 1.635 lượt cán bộ, công chức xã; 128 lượt cán bộ, công chức xã đi đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự.
+ Về đào tạo trình độ trung cấp: Có 4.491 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo chuẩn hóa trung cấp chuyên môn thuộc các ngành Luật, Nông nghiệp; 75 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo trung cấp quân sự cơ sở; 289 lượt cán bộ, công chức xã được cử đi đào tạo trung cấp công an xã.
+ Về bồi dưỡng khác: Có 929 lượt cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 241 lượt cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng tiếng dân tộc Jrai, Bahnar; 1.464 lượt cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức tôn giáo; 5.613 đại biểu và báo cáo viên hội đồng nhân dân xã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Chính trị tỉnh Gia Lai)
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Gia Lai đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn, quy định của Trung ương. Qua đó, góp phần chuẩn hoá về trình độ các mặt, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trước mắt, trong năm 2016, tỉnh dự kiến mở 11 lớp bồi dưỡng theo chức danh và 08 lớp bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho 1.200 lượt cán bộ, công chức xã với tổng kinh phí khoảng 1,66 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện như: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội và của cán bộ, công chức xã về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo ở tỉnh thông qua việc huy động các trường đào tạo, trung tâm đào tạo tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo hướng xã hội hoá có sự hỗ trợ của Nhà nước (đặt hàng theo yêu cầu). Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; đổi mới xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án hằng năm, giữa kỳ và cuối kỳ...
Thanh Hằng