Nhân ôn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài viết "Đảng bộ tỉnh Gia Lai sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác". Trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh xin trân trọng giới thiệu bài viết này:

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, người cộng sản quốc tế chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc. Người đã sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Lúc sinh thời, Người đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước, vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng Người để lại những lời dặn dò rất cụ thể cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho mỗi con người Việt Nam, đó là tác phẩm Di chúc của Người - một kho tàng về lý luận cũng như về thực tiễn hết sức quý báu, một lời căn dặn hết sức tỉ mỹ, một sự dự báo, dự đoán tài tình và đồng thời cũng là lòng mong ước, hoài bão lớn nhất của một vị lãnh tụ vĩ đại đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, với phong trào cách mạng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Bản Di chúc là sự đúc kết trí tuệ, tâm huyết của Người; trở thành di sản quý báu, góp phần làm phong phú, sâu sắc toàn bộ kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Thực hiện Di chúc của Người, 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã đồng hành cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và bắt tay vào xây dựng xã hội mới. Trải qua 02 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, những tên đất, tên làng, tên sông, tên suối như Tơ Tung, Plei Me, Ia Đrăng, Cheo Reo, Phú Bổn hay tên của những người con ưu tú như Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt... đã đi vào huyền thoại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương Gia Lai cũng như của dân tộc. Những kỳ tích anh hùng, những chiến công hiển hách đó đã góp phần giải phóng Gia Lai vào ngày 17-3-1975 và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua gian khổ, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân; trấn áp kịp thời bọn phản động FULRO và các tổ chức phản động khác, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời, tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng Pôn Pốt Ieng Xa Ri.
Trải qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng; nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh; tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Nếu như năm 1975, tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội rất thiếu và lạc hậu do hậu quả của chiến tranh để lại thì đến nay, quy mô nền kinh tế tăng gấp hàng trăm lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao, GDP bình quân giai đoạn 2001 - 2005 đạt 11,3%; 2005 - 2010 đạt 13,6%/năm, nửa đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt 12,86%; 6 tháng đầu năm 2014 đạt 11,16 %. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 2.300 tỷ đồng và năm 2013 tăng lên 3.600 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông, lâm nghiệp - công nghiệp và dịch vụ phát triển toàn diện. Các vùng chuyên canh cây nông nghiệp và cây công nghiệp được hình thành và phát triển nhanh, đến nay toàn tỉnh có hơn 100.000 ha cao su, 11.500 ha hồ tiêu, gần 80.000 ha cà phê…. Hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các cụm, khu công nghiệp lớn được xây dựng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng trưởng nhanh. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện nay, Gia Lai đang trên đà phát triển bền vững, trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, không chỉ là nơi “giao lưu” của các nền văn hóa mà còn là nơi “gặp gỡ” của sự phát triển kinh tế và đang từng bước cùng với Kon Tum, Đak Lak trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Giáo dục đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; hệ thống trường học đã được xây dựng đến làng, con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường; 100% huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Cơ sở vật chất của ngành y tế từ tuyến tỉnh tới cơ sở được đầu tư nâng cấp. Đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác xóa đói, giảm nghèo trở thành quyết tâm chính trị, được tổ chức thực hiện quyết liệt và đã trở thành phong trào rộng khắp được nhân dân và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng, quan tâm ủng hộ; đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,23%. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, người có công, quy tập hài cốt liệt sỹ, giải quyết chế độ cho người có công được triển khai thường xuyên, chu đáo. Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo tiếp tục được quan tâm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, góp phần phong phú thêm kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình”, “bạo loạn, lật đổ” và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ Gia Lai thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, phát huy dân chủ và thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng, chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Việc“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đạt được những kết quả bước đầu quan trọng và đang có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã tập trung hướng về cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, nhân dân ngày càng tin vào Đảng, Nhà nước và tin vào tính ưu việt của chế độ ta.
Đặc biệt, Đảng bộ Gia Lai đã tập trung chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo đúng lời dạy của Bác: “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Đồng thời tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, trưởng thành, phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt của đời sống xã hội, xứng đáng là thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, phát huy truyền thống Tây Nguyên bất khuất, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Một thành tựu không kém phần quan trọng đó là, tỉnh đã thực hiện tốt công tác đối ngoại, với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Theo đó đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa lãnh đạo, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai với lãnh đạo, nhân dân các tỉnh giáp biên với Việt Nam như Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Ngoại giao nhân dân được chú trọng. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; kịp thời cung cấp thông tin trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như quảng bá tiềm năng của tỉnh, phục vụ cho công tác phân giới cắm mốc biên giới, đảm bảo an ninh biên giới và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trải qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai rất đỗi tự hào về những thành tựu quan trọng đã giành được trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển ngày hôm nay. Những thành tựu đó đặt ra những hy vọng lớn, niềm tin lớn để nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục chung tay xây dựng quê hương Gia Lai đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững và ngày càng giàu đẹp.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 45 năm qua, chúng ta vẫn còn nhiều điều trăn trở vì những kết quả đạt được so với mục tiêu, yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân vẫn còn rất lớn, đó là: Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, tồn tại và có nhiều bức xúc nhưng chưa được khắc phục. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng chưa ngang tầm trong giai đoạn hiện nay; tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng lo ngại. Cải cách hành chính, phương thức quản lý của chính quyền, nội dung, phương pháp hoạt động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể vẫn còn nhiều yếu kém. Mặt khác, những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh và sự chống phá của các tổ chức phản động, nhất là của bọn phản động FULRO lưu vong đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đó là thách thức lớn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần phải vượt qua.
Phát huy truyền thống và những thắng lợi đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc Gia Lai nguyện đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng Gia Lai trở thành tỉnh giàu về kinh tế; vững mạnh về quốc phòng, an ninh; phong phú về văn hóa tinh thần, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hà Sơn Nhin
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai