The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình"
15/09/2018 - Lượt xem: 2631
Đó là câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm lịch sử tại Cao điểm 241 Tân Lâm (hay còn gọi là căn cứ Carol) - nơi vốn là căn cứ lớn của Mỹ mới được ta giải phóng. Sự xuất hiện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất trên mảnh đất Quảng Trị vào thời điểm ấy đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết cao đẹp Việt Nam - Cuba.

Cách đây 45 năm, vào giữa tháng 9/1973, chỉ ít tháng sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị. Sự xuất hiện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất trên mảnh đất Quảng Trị vào thời điểm ấy đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho cách mạng Việt Nam; đồng thời là biểu tượng cho tình đoàn kết cao đẹp Việt Nam - Cuba.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro với các chiến sỹ đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên Huế,
trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15/9/1973. (Ảnh tư liệu: TTXVN).

Để bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn chuyến đi đặc biệt này, một mặt ta vẫn bố trí lực lượng đón Chủ tịch Fidel ở Hải Phòng như kế hoạch cũ. Mặt khác, trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thông báo cuộc hội đàm giữa 2 đoàn Việt Nam và Cuba diễn ra ở Hà Nội vào ngày 15/9/1973, nhưng vào thời điểm đó, một lực lượng của Trung đoàn 600 (Công an nhân dân vũ trang) đã vào Quảng Trị trước để làm công tác tiền trạm và bảo vệ địa điểm.

9 giờ 40 phút ngày 16/9/1973, chiếc chuyên cơ đưa 2 nhà lãnh đạo là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel cất cánh từ sân bay Gia Lâm vào Đồng Hới (Quảng Bình). Trong hơn một giờ bay, các chiến sỹ cảnh vệ thấy Chủ tịch Fidel luôn quan sát xuống mặt đất. Khi máy bay bay qua vùng khu IV, chứng kiến những cánh đồng, đoạn đường và làng mạc bị bom đạn cày xới nham nhở, những chiếc cầu đứt nhịp oằn mình xuống dòng sông..., nét mặt Chủ tịch Fidel nghiêm lại như muốn chia sẻ những hy sinh mất mát của nhân dân Việt Nam.

Khi đến thăm Cao điểm 241 Tân Lâm, Chủ tịch Fidel Castro đã phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dõng dạc hô to: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn!”, “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!". Và cũng chính tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã nói câu lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Hình ảnh của vị nguyên thủ quốc gia hiên ngang sải bước trên con đường mới được giải phóng ở Quảng Trị, phất cao lá cờ bách chiến bách thắng của Quân giải phóng miền Nam tại cuộc mít tinh ở Căn cứ 241 gần Dốc Miếu, Đông Hà cho đến nay vẫn khắc sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Chuyến thăm lịch sử cách đây đúng 45 năm của Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó; cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ bách chiến, bách thắng lấp lánh
huân chương của Đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên – Huế tại
cao điểm 241, ngày 16/9/1973 (Ảnh: TTXVN)

Tấm lòng nhân ái của vị nguyên thủ dành cho người dân Việt Nam

Người dân Quảng Trị nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên tấm lòng nhân hậu và yêu thương con người vô hạn của Chủ tịch Fidel Castro, khi ông vô tình chứng kiến một cô gái lấp hố bom bên đường nhưng cuốc trúng bom bi và phát nổ. Khi ấy, vào chiều 15/9/1973, đoàn xe đưa Chủ tịch Fidel Castro từ Vĩnh Linh vào Đông Hà, đến cầu Hiền Lương nghe tiếng bom bi nổ, khiến một nữ dân công bị thương, Chủ tịch Fidel Castro cho dừng xe lại, xuống thăm hỏi và yêu cầu đưa chị dân công bị thương đi cấp cứu. 

Cô gái đó là Nguyễn Thị Hương, bị thương rất nặng, đứt 8 đoạn ruột, thủng động mạch chủ và nhiều vết thương phần mềm khác, mất rất nhiều máu. Chủ tịch Fidel lúc ấy đã yêu cầu đội ngũ y, bác sỹ đi cùng đoàn khẩn trương đưa nữ dân công Nguyễn Thị Hương ra điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Linh. Ông còn đề nghị, nếu bệnh viện không có phương tiện cấp cứu, thì đưa người bị thương ra Quảng Bình, rồi dùng máy bay chở về Hà Nội, nơi có đầy đủ phương tiện y tế hơn. Khi Bệnh viện Vĩnh Linh hết máu dự trữ, để có máu truyền cấp cứu cho Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Fidel Castro đã điều động xe ra Quảng Bình mang máu về bệnh viện.

Nữ dân công ấy đã may mắn được cứu sống sau gần một tháng chữa trị. Sau đó, bà còn nhận được quà của Chủ tịch Fidel Castro thông qua phái đoàn của Cuba sang thăm Việt Nam gồm thuốc chữa bệnh, thuốc bổ và tấm danh thiếp của ông. Nhiều năm về sau, mỗi dịp có đoàn cán bộ cấp cao của Cuba sang thăm Việt Nam và đến Quảng Trị đều ghé thăm gia đình bà Hương. Năm 1985, đoàn sĩ quan quân đội Cuba ghé thăm, có ngỏ lời từ Chủ tịch Fidel mời bà Hương đến đất nước Cuba. Để đáp lại tình cảm của Chủ tịch Fidel, bà Hương thông qua các cán bộ Cuba đã gửi một số sản vật quê hương tặng ông.

Mối quan hệ khăng khít, anh em của Việt Nam - Cuba

Tình cảm của Chủ tịch Fidel Castro - người đồng chí, anh em, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam đã được thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể, đầy ý nghĩa. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro đã quyết định tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế quan trọng gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới (Quảng Bình), trại bò Mộc Châu, trại gà Lương Mỹ và đường cao tốc Xuân Mai; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, đồng thời vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…

Chủ tịch Cuba Fidel Castro cũng đã từng khẳng định Việt Nam và Cuba, tuy về mặt địa lý cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng có rất nhiều điểm tương đồng. Tình hữu nghị anh em giữa hai nước đã được sinh ra và lớn lên trong sự tương đồng lịch sử của hai dân tộc cùng đấu tranh chống kẻ thù chung.

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960), hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và ngày nay luôn sát cánh bên nhau vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa ở mỗi nước. Đây thực sự là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết anh em, trước sau như một, mối quan hệ đã trở thành biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Trong những ngày tháng 9 này, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 45 năm  Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng đất này, như: Tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; triển lãm tranh ảnh về Chủ tịch Fidel Castro; thăm một số địa điểm Chủ tịch Fidel Castro đã từng đến Quảng Trị năm 1973 như: Cao điểm 241 - nơi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm và phất cờ của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam; Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; giao lưu, gặp gỡ nhân chứng đã được gặp Chủ tịch Fidel Castro… 

Phối cảnh Dự án Công viên tại Trung tâm thành phố Đông Hà (Quảng Trị)
nơi đặt tượng đài Chủ tịch Fidel Castro (Nguồn ảnh: Báo Đầu tư)

Đặc biệt, HĐND tỉnh Quảng Trị mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên Công viên Fidel trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Đây là một trong những công trình kỷ niệm 45 năm Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Tượng đài Chủ tịch Fidel Castro trong Công viên Trung tâm Thành phố
Đông Hà (Quảng Trị) sẽ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày
Chủ tịch Fidel Castro thăm Quảng Trị (Nguồn ảnh: Zing.vn).

Công viên được xây dựng tại một trong những địa điểm Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đặt chân đến trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, với quy mô trên 16ha, gồm nhiều phân khu, hệ thống cây xanh... Công viên được đặt theo tên Chủ tịch Fidel Castro nhằm thể hiện tình cảm của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng đối với Chủ tịch Fidel Castro./.

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG