The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Khắc phục mọi khó khăn, yếu kém, phấn đấu vượt kế hoạch đề ra
29/06/2015 - Lượt xem: 2969
Ngày 29/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với 
các địa phương trên toàn quốc nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 
tháng 6 và 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

 

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe các Bộ trưởng trình bày tóm tắt các Báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015; Triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP; Kiểm điểm chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2015; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Công tác cải cách hành chính Quý II/2015.

Ý kiến của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương cơ bản đồng tình với các báo cáo trình bày tại phiên họp, thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng 6 tháng đạt 6,28%, cao nhất trong 5 năm qua, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng là điểm sáng, lấy lại vai trò động lực tăng trưởng kinh tế, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất (IIP) tăng mạnh (quý II tăng 10,2%, 6 tháng tăng 9,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 6 tháng tăng 9,7%, cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35%, 6 tháng tăng 0,55%. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém chủ yếu như tình hình sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ.

Tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản 6 tháng thấp hơn cùng kỳ năm 2014. Tình hình thị trường, tiêu thụ gạo và một số mặt hàng nông sản khó khăn do cả nhu cầu giảm và giá giảm. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ, gây sức ép lớn về ổn định vĩ mô, nhất là tỷ giá. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh còn một số vướng mắc. Còn tình trạng nợ đọng văn bản. Tai nạn giao thông mặc dù giảm nhưng còn nghiêm trọng; tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp.

Tại phiên họp, ý kiến phát biểu của các địa phương thể hiện sự đồng tình cao với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của Chính phủ, nhờ đó, đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực; đồng thời thể hiện sự quyết tâm tiếp tục chung sức thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm 2015, năm có ý nghĩa quan trọng, kết thúc giai đoạn 2011 - 2015. Các địa phương cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, các địa phương đóng góp một số ý kiến đối với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới như cần sớm ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số luật, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015; tính toán nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực của cơ chế, chính sách được ban hànhXây dựng khung pháp lý rõ ràng và thể chế hóa thành hệ thống chính sách cụ thể phát triển Vùng; đổi mới cơ chế huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ giữa các địa phương trong vùng; đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội liên vùng. Có cơ chế hỗ trợ các dự án sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có thế mạnh của Việt Nam. Đầu tư và hỗ trợ đầu tư các dự án thủy lợi, giao thông, khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền, các dự án di dân, tái định cư. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quá trình đàm phán và nội dung các Hiệp định thương mại tự do nhằm chủ động khai thác các lợi thế và giảm thiểu các tác động bất lợi do các FTA mang lại...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý kiến phát biểu cụ thể, xác đáng của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; đề nghị các Bộ, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện các Báo cáo đã trình bày tại phiên họp cũng như dự thảo Nghị quyết phiên họp. Ý kiến liên quan đến những vấn đề cụ thể thì các Bộ ngành chức năng xem xét, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp.

Về tình hình 6 tháng đầu năm, Thủ tướng khẳng định kinh tế - xã hội phát triển cơ bản ổn định, tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; với mức tăng 6,28%, tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mức đặt ra cho cả năm là 6,2%. Bên cạnh đó, tình hình thu ngân sách, tổng đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng dư nợ tín dụng, sức mua, niềm tin thị trường diễn biến tích cực. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế đều đạt kết quả tích cực.

“Đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để chúng ta phấn đấu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Nếu không có gì đột biến và chúng ta tiếp tục tập trung chỉ đạo thì mục tiêu tăng trưởng đặt ra năm2015 có thể đạt được, nhiều khả năng vượt” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý về những khó khăn, thách thức đang nổi lên cần phải tập trung theo dõi, xử lý, trong đó có khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp do hạn hán và thị trường tiêu thụ; nhập siêu xuất hiện sau 3 năm xuất siêu nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo sức ép đối với ổn định kinh tế vĩ mô; khách du lịch đến Việt Nam giảm; tái cơ cấu còn chậm, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả còn nghiêm trọng; các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực còn chậm ban hành.

“Trong 6 tháng cuối năm, thuận lợi có nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Tôi đề nghị tất cả các đồng chí theo dõi sát tình hình, đề cao trách nhiệm, năng động sáng tạo, quyết liệt điều hành, phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, yếu kém, triển khai đồng bộ, đồng thời các giải pháp, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Với tinh thần đó, đề cập nhiệm vụ giải pháp trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trước hết là thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm sự phục hồi vững chắc của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. “Chúng ta cần tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, mà đầu tiên là phải rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong hoạt động điều hành vấn đề gì còn hạn chế yếu kém cần tập trung làm rõ, không nói chung chung mà phải khắc phục cho được” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư; thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. “Nhân dân không làm ăn tốt, doanh nghiệp không làm ăn tốt, chúng ta sẽ không có gì cả. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, không thu hút đầu tư toàn xã hội, chúng ta sẽ không bao giờ có được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch, phương án đã được duyệt của từng Bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình.

Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng thực hiện đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bao gồm các các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị hạn hán. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuẩn bị, tổ chức tốt kỳ thi chung tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015. “Các địa phương cần tích cực vào cuộc để thực hiện kỳ thi này cho tốt” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập.

Các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

“Cần tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ, đồng thuận xã hội với tinh thần là ổn định chính trị, phát triển kinh tế đạt vượt kế hoạch, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân. Tất cả cần chung sức cố gắng để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh./.

(Theo ĐCSVN) 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG