Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ ba, từ trái sang)
trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Hội Phụ nữ
giải phóng - Đội quân tóc dài thời kỳ Đồng khởi của tỉnh Bến Tre.
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Bến Tre nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bến Tre được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”, chúc mừng những thành tựu mà Bến Tre đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các thế hệ phụ nữ trong  tỉnh. Đây là dịp để mọi người cùng ôn lại và nâng cao lòng tự hào về quê hương Bến Tre anh hùng, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi mà các thế hệ cha, ông từ thời khai hoang mở cõi cho đến chống giặc ngoại xâm đã nối tiếp nhau lập nên những chiến công oanh liệt, xây dựng truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương Bến Tre. Danh hiệu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy” là niềm vinh dự, tự hào của vùng đất và con người Bến Tre. Thế hệ hôm nay có nhiệm vụ bảo vệ, bồi đắp, phát huy truyền thống hào hùng ấy một cách toàn diện và mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. 

Trong niềm xúc động và tự hào, tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đồng bào trong tỉnh, con em Bến Tre đang công tác, sinh sống ngoài tỉnh, ngoài nước, đoàn kết một lòng, phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường của cha ông, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi phong trào Đồng khởi mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với truyền thống vẻ vang đó, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre sẽ vươn lên mạnh mẽ, vượt qua khó khăn, đưa Bến Tre trở thành tỉnh giàu, cả về vật chất và văn hóa tinh thần, có mức sống ngang với các tỉnh trong khu vực, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. 

Ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Đội quân tóc dài, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện gia đình hai đồng chí: Huỳnh Minh Lễ, chiến sĩ đặc công, Chính trị viên phó Đại đội, Chủ nhiệm đặc công Tỉnh đội Bến Tre và đồng chí Lê Văn Duyệt, chiến sĩ tình báo, Trưởng ban Trinh sát quân báo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một trong những chiến trường ác liệt, là nơi Mỹ-Ngụy thí điểm áp dụng các chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới với chiêu bài "tố cộng, diệt cộng", "Luật 10/59 đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, biến cả miền Nam thành nhà tù, trại tập trung dưới cái tên "ấp chiến lược". Trước tình hình vô cùng khó khăn và cấp bách đó, nhằm chuyển tình thế cách mạng, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Quán triệt, vận dụng thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre có nhiều sáng tạo vùng lên với phương châm 2 chân, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ. Đi liền với Đồng khởi là sự ra đời và phát triển của Đội quân tóc dài - một hiện tượng, một sự sáng tạo độc đáo của Bến Tre. Đây chính là lực lượng góp phần làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh du kích trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. 

Đội quân tóc dài ban đầu thuần túy chỉ là đấu tranh chính trị, nhưng về sau lực lượng này tham gia cả đấu tranh về quân sự. Năm 1961, số nữ du kích xã, ấp đã lên đến hơn 3.000 người, chiếm 1/9 số nữ du kích trong toàn miền Nam lúc bấy giờ. Năm 1964, Bến Tre đã ra đời đơn vị nữ vũ trang đầu tiên mang phiên hiệu C.710 - lực lượng bộ đội nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8. Trong đó, những con người rất tiêu biểu như Tạ Thị Kiều (Mười Lý), Nguyễn Thị Tuyết (Út Tuyết) là những đội viên du kích xuất sắc, chỉ huy lấy đồn địch bằng sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm. Trong Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, bà Tạ Thị Kiều được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Nhắc đến Đội quân tóc dài không thể quên đồng chí Nguyễn Thị Định - cô Ba Định, một trong những người lãnh đạo của phong trào Đồng khởi, vị nữ tướng Phó Tổng tư lệnh tài ba đã lãnh đạo và tạo điều kiện cho Đội quân tóc dài làm nên kỳ tích. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tỉnh ủy, trực tiếp là của cô Ba Định, Đội quân tóc dài xung trận, trực diện với quân thù, đấu tranh với hình thức “tản cư ngược” từ vài chục, vài trăm đến hàng ngàn người tràn về dinh quận Mỏ Cày, lên án hành động dã man, cướp bóc, bắn giết nhân dân trong Đồng khởi. 

Đồng khởi ở Bến Tre với Đội quân tóc dài trong phong trào Đồng khởi là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương. Từ Bến Tre, ngọn lửa Đồng khởi đã lan ra toàn miền Nam, Đội quân tóc dài từ Bến Tre được nhân rộng và phát triển hầu hết ở các tỉnh Nam bộ, góp phần quan trọng trong việc chuyển tình thế cách mạng từ phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang tiến công địch liên tục giành thắng lợi. 

Sau Đồng khởi, phong trào cách mạng miền Nam tiếp tục dâng cao, luôn ở thế tiến công một cách mạnh mẽ. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Với những chiến công xuất sắc đó, Bến Tre được Hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ tư chọn là một trong 3 ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh và được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng quyết định tặng thưởng cờ danh dự mang 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”. 

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong phong trào Đồng khởi, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Bến Tre đã vận động, tập hợp lực lượng nữ lên đến hàng trăm, hàng nghìn người tích cực tham gia vào tất cả các mặt hoạt động: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; đã hình thành Đại đội vũ trang nữ đầu tiên của toàn quân khu. Đội quân chính trị chủ yếu là nữ đã tổ chức đấu tranh hàng nghìn cuộc, lực lượng bộ đội nữ đã chiến đấu hàng trăm trận giành thắng lợi... 
      
Phát huy tinh thần “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”, sau hòa bình Bến Tre đã cùng cả nước đoàn kết, tự lực, tự cường chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre đã nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của tỉnh bạn, đưa tỉnh Bến Tre thoát khỏi nghèo đói, từng bước thay da, đổi thịt, ngày càng phát triển. Trong thành quả chung đó có sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong tỉnh, nối tiếp truyền thống phụ nữ trong kháng chiến, phụ nữ Bến Tre có nhiều phong trào thiết thực như: Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, nhiều chị em đã vươn lên trưởng thành trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học… xứng đáng với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. 

Nhân dịp tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vận động hỗ trợ Bến Tre phần quà trị giá 500 triệu đồng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vận động tặng 500 phần quà; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ủng hộ 2 tỷ đồng để tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tỉnh Bến Tre./. 

(Theo ĐCSVN)