Được gọi là môn thể thao quý tộc nhưng hiện nay cơ hội để tiếp cận học môn quần vợt (tennis) hết sức dễ dàng. Chỉ cần có niềm yêu thích về môn thể thao này là có thể dễ dàng tham gia học với chi phí vài trăm ngàn đồng. Đặc biệc, các em ở lứa tuổi thanh-thiếu niên cũng có thể tham gia..
Giúp trẻ phát triển toàn diện
 |
Một buổi tập của các tay vợt nhí. Ảnh: N.H |
Tại Gia Lai, tennis đã được đưa vào danh sách các môn thể thao huấn luyện cho các em nhỏ lứa tuổi thanh-thiếu niên nhiều năm trở lại đây, thể hiện qua số lượng khóa đào tạo tennis lứa tuổi dưới 18 ngày một tăng lên. Hiện có khá nhiều em nhỏ đăng ký tham gia các lớp được gọi vui là “quần vợt mi ni” này. Theo đó, loại vợt dành cho các em cũng nhỏ hơn vợt của người lớn, giá dao động từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc tùy loại. Anh Nguyễn Phước Tân (hội viên Câu lạc bộ Quần vợt Quang Trung) đã có kinh nghiệm trên 20 năm cầm vợt và là huấn luyện viên tennis giàu kinh nghiệm, chia sẻ: “Cũng như các môn thể thao khác, tennis giúp nhiều em từ bỏ được thói quen xấu là mê điện tử và tránh được sức hút từ các thiết bị công nghệ số. Phụ huynh hướng cho con em mình làm quen với thể thao ngay từ sớm rất có lợi cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần của bé”.
Ông Nguyễn Đình Thọ (hội viên Câu lạc bộ Quần vợt Quang Trung) đang là huấn luyện viên 3 lớp tennis lứa tuổi thanh-thiếu niên vui vẻ cho biết: Các bé tham gia các lớp học này đều ở độ tuổi từ 7-10, mỗi lớp khoảng 6 bé. Lớp học chủ yếu tập kỹ năng đánh bóng căn bản, vận động vui chơi nhưng mang lại hiệu quả cao. Các bậc phụ huynh gửi bé tại đây cũng vì tin tưởng khả năng huấn luyện của ông. Những “tay vợt” của tỉnh ta đã quá thân thuộc với hình ảnh ông cùng người cháu trai trên sân tennis khi bé chỉ mới 3 tuổi. Đó là Nguyễn Trọng Hoàng, giờ đây đã bước sang tuổi 15. Những năm qua, em cùng với ông ngoại không ngừng tìm tòi, học hỏi cách đánh bóng hay, đều đặn rèn luyện và tham gia thi đấu ở nhiều giải phong trào. Yêu thích quần vợt nhưng Hoàng không lơ là việc học tập. Em cho biết, nhờ rèn luyện thể thao mà em luôn giữ được tinh thần tốt trong học tập, liên tục giành những giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh, Toán trong và ngoài tỉnh. Bộ môn quần vợt còn giúp em cải thiện chiều cao, rèn luyện độ dẻo dai và nhạy bén để học tập tốt hơn.
Dừng lại ở thể thao quần chúng
 |
Lứa tuổi thanh-thiếu niên rất cần được làm quen với thể thao. Ảnh: N.H |
Trung bình mỗi năm, Gia Lai có 5-7 giải thi đấu tennis cấp tỉnh. Trong đó, giải đấu do Liên đoàn Quần vợt tỉnh phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ mỗi năm 1 lần. Các giải đấu thu hút 80-120 cặp vận động viên tham gia thi đấu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một giải đấu nào được tổ chức dành riêng cho lứa tuổi thanh-thiếu niên. Các bộ môn thể thao, đặc biệt là tennis lứa tuổi thanh-thiếu niên chỉ dừng lại ở mức độ rèn luyện vận động và vui chơi. Tính chuyên nghiệp trong thể thao đòi hỏi phải có sự rèn luyện tập trung, thế nhưng với số lượng học viên ít, rời rạc rất khó tạo thuận lợi cho quần vợt thanh-thiếu niên được phát triển. Hơn nữa, đặc điểm thời tiết của Gia Lai, mùa hè lại là mùa mưa phần nào kiềm hãm cơ hội để tennis tiếp cận được với các bạn nhỏ đem lòng yêu mến trái bóng nỉ.
Theo ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện-Đào tạo và Thi đấu Thể thao tỉnh, để phong trào quần vợt trong thanh-thiếu niên được phát triển mạnh mẽ hơn nữa cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh để tuyển chọn được người có năng khiếu với chuyên ngành tennis. “Thời gian qua, tỉnh đã có định hướng phát triển quần vợt trong thanh-thiếu niên bằng việc giao cho các câu lạc bộ tự tuyển chọn, huấn luyện đúng kỹ thuật nhằm tìm ra nhân tố nòng cốt cho bộ môn này, song việc đào tạo mới chỉ dừng ở sân chơi quần chúng. Để phong trào quần vợt trong lứa tuổi thanh-thiếu niên phát triển cao hơn, thi đấu chuyên nghiệp là cả một vấn đề nan giải đối với thể thao tỉnh nhà hiện nay”-ông Phong chia sẻ.
Theo GLO