Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề, trong 10 năm qua, linh vực thể dục thể thao đã đạt được những kết quả rất quan trọng, thay đổi diện mạo thể dục thể thao tỉnh nhà một cách toàn diện.

Khai mạc Đại hội Thể dục-Thể thao tỉnh Gia Lai lần thứ VII- 2014 (Ảnh GLO)
Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển, thu hút gần 30% dân số thường xuyên tham gia tập luyện, trên 23,5% số hộ gia đình tập luyện thể thao thường xuyên. Hơn 783 câu lạc bộ thể dục thể thao ở các cơ sở xã, phường, thị trấn, các cơ quan đơn vị được thành lập. So với năm 2006, tỷ lệ người tham gia tập luyện thường xuyên đạt 30,5%; tỷ lệ hộ gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 23,8% và có 290 câu lạc bộ thể dục thể thao được thành lập. Phong trào thể dục thể thao trong cán bộ, công chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang được duy trì. Hệ thống thi đấu thể dục thể thao quần chúng từng bước được phân cấp cho các địa phương, liên đoàn, hội thể thao theo hướng xã hội hóa. Các giải thi đấu thể thao thành tích cao được tổ chức tại tỉnh đã thu hút được nhiều nguồn tài trợ, quảng cáo từ các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát động từ năm 2000 tiếp tục được quần chúng nhân dân tích cực tham gia tập luyện, thi đấu.
Các tổ chức xã hội đầu tư, phát triển về thể dục thể thao được tạo điều kiện để thành lập và duy trì hoạt động theo định hướng xã hội hóa. Hiện nay, tỉnh đã hình thành được 11 tổ chức xã hội về thể dục thể thao ở các môn: Bóng đá, bóng chuyền, Taekwondo, Karatedo, Vovinam - Việt võ đạo, võ cổ truyền, Câu lạc bộ Mô tô, Quần vợt, Cầu lông, Hội Cờ và Câu lạc bộ Cổ động viên, Câu Lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Các tổ chức xã hội về thể dục thể thao bước đầu phát huy tốt khả năng tập hợp, thu hút đông đảo số người tham gia; đồng thời, phối hợp huy động kinh phí tổ chức các giải thể thao, thành lập các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, cử các huấn luyện viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn do Trung ương tổ chức…
Sự thành công bước đầu trong việc xã hội hóa thể dục thể thao ở môn bóng đá (Hoàng Anh Gia Lai) đã đi vào hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng đã chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng các công trình thể thao cơ bản hoạt động hiệu quả, như: Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và hiện trên địa bàn tỉnh có 16 nhà tập đa năng, 12 sân bóng đá, 32 sân quần vợt, 7 hồ bơi, 550 điểm chơi billiards, nhiều điểm tập luyện bóng bàn, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, cầu lông, võ thuật, khiêu vũ thể thao…
Công tác giáo dục thể chất trong trường học được quan tâm hơn. Đến nay, có 100% số trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nội khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tăng 10% so với năm 2006); có 60% các trường phổ thông duy trì hoạt động thể dục ngoại khóa thường xuyên (tăng 15% so với năm 2006). Cơ sở vật chất trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho công tác giảng dạy được đầu tư. Năm 2014 - 2015, toàn tỉnh có 747 giáo viên thể dục thể thao, trong đó, có 481 đại học, 235 cao đẳng, 07 trung học chuyên nghiệp và 24 giáo viên kiêm nhiệm, tăng 538 giáo viên so với năm 2006. Hoạt động thể dục thể thao trong trường học được chú trọng, như: Hội khỏe Phù Đổng, Hội thi Thể thao - Văn nghệ giải bóng đá 3 cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông)… được tổ chức từ cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh, nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, kỷ niệm góp phần không nhỏ vào việc duy trì phong trào rèn luyện thân thể trong khối nhà trường.
Thanh Xuân