The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
16/10/2017 - Lượt xem: 1253
Khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới; lo ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran; căng thẳng ngoại giao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ; Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu; mưa lớn bất thường tại Thái Lan... là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại phiên khai mạc IPU-137. (Ảnh: TTXVN)

Khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới

Với chủ đề “Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc”, ngày 14/10, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) đã chính thức khai mạc tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga. IPU-137 có sự tham dự của 160 Đoàn với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 80 lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước thành viên IPU. Chủ tịch Quốc hội  Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng IPU-137, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ vinh dự khi IPU - tổ chức hợp tác nghị viện quốc tế lâu đời nhất thế giới - tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 tại LB Nga, với chương trình nghị sự dày đặc, thảo luận các vấn đề thời sự như: bảo vệ quyền và tự do con người, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, phát triển bền vững toàn cầu, vai trò của phụ nữ và thanh niên trong chính trị và kinh tế…

Tổng thống Nga Putin cho biết, tại thành phố Saint Petersburg vào đầu thế kỷ trước là nơi làm việc nghị viện đầu tiên của Nga, nơi đây cũng đã hình thành nên những truyền thống của nghị viện, thực tiễn lập pháp và văn hóa nghị viện. Nhấn mạnh nghị viện với tư cách là cơ quan thể hiện ý nguyện của nhân dân, Tổng thống Nga Putin cho rằng, trong tình hình hiện nay rất cần phải có nền ngoại giao nghị viện có khả năng củng cố lòng tin giữa các quốc gia, giúp tìm ra những giải pháp thỏa hiệp cho các vấn đề quốc tế và khu vực...

Tổng thống Putin cho rằng vì lợi ích chung nên tiến hành một chương trình nghị sự hòa bình, sáng tạo, cân bằng, nỗ lực giảm tính đối đầu, không để xuất hiện những ý kiến chia rẽ mới, bao gồm những ý kiến về dấu hiệu sắc tộc và tôn giáo, cùng nhau đi tới một cấu trúc công bằng hơn, bền vững hơn trong quan hệ quốc tế. Tổng thống Putin chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury đã nhấn mạnh, Đại hội đồng IPU-137 diễn ra tại thành phố Saint Petersburg trong thời điểm quan trọng, có ý nghĩa trong lịch sử ngoại giao nghị viện. Bày tỏ sự trân trọng cảm ơn Hội đồng LB Nga trong tổ chức Đại hội đồng IPU-137, Chủ tịch IPU đề nghị các nghị sĩ nỗ lực tìm giải pháp cho những vấn đề cấp bách hiện nay; thảo luận các chương trình nghị sự mới, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Hội đồng LB Nga Valentina Ivanovna Matviyenko nồng nhiệt chào đón các lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội và các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-137. Bà Matviyenko cho rằng, IPU là nền tảng để trao đổi quan điểm về những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới trong bầu không khí tự do, trí tuệ, bình đẳng và tập trung vào việc phát triển các giải pháp có thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người. Người dân các quốc gia đang chờ đợi các nghị sĩ hành động và có những bước đi thực tế để giảm căng thẳng trên thế giới, giúp khôi phục hòa bình lâu dài và thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế - xã hội của tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề thảo luận chung tại Đại hội đồng IPU-137, bà Matviyenko cũng lưu ý Đại hội đồng sẽ xem xét việc ban hành một nghị quyết về kỷ niệm 20 năm Tuyên ngôn Dân chủ toàn cầu. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của nghị viện trong các hệ thống dân chủ hiện đại, thúc đẩy và bảo đảm các nguyên tắc dân chủ.

Là tổ chức nghị viện đa phương lớn nhất thế giới, trong hơn 120 năm hình thành và phát triển, IPU đã cho thấy sứ mệnh của mình trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa nghị viện các nước; tham vấn và thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện thành viên, qua đó đóng góp vào việc bảo vệ và thúc đẩy bảo đảm các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế; thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc hướng đến hòa bình và an ninh toàn cầu, đẩy mạnh phát triển bền vững, nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị và tăng cường đối thoại, giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa…

Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-137, các đại biểu sẽ tiến hành Phiên thảo luận chung về chủ đề “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc”; thông qua các nghị quyết, báo cáo của các Ủy ban thường trực, văn bản cuối cùng của Phiên thảo luận chung; thông qua chủ đề của Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền tại Đại hội đồng IPU-139.

Hội đồng Điều hành sẽ họp về báo cáo của Chủ tịch Hội đồng và Tổng thư ký; báo cáo về các hội nghị chuyên môn, chuyên đề của IPU thời gian gần đây; chiến lược của IPU giai đoạn 2017-2021; bầu Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2017-2021 và bầu bổ sung Ban Chấp hành. Ban Chấp hành sẽ thông qua Biên bản Phiên họp 275 tại Bangladesh tháng 4/2017; báo cáo hoạt động của Chủ tịch IPU và Tổng thư ký IPU; các vấn đề tài chính, chiến lược IPU 2017-2021, hợp tác với Liên hợp quốc, Đại hội đồng IPU-138 tại Geneva,Thụy Sĩ vào tháng 3/2018…

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các chủ đề “Duy trì hòa bình là phương tiện để đạt được phát triển bền vững”; về tình hình thực hiện Nghị quyết về chiến tranh mạng được thông qua tại Đại hội đồng IPU - 132 tổ chức tại Hà Nội; thảo luận nhóm về “Vai trò của nghị viện trong việc giám sát hoạt động của lực lượng vũ trang quốc gia tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”; “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là năng lượng tái tạo”; về áp dụng khoa học và nghiên cứu để đạt được những tiêu chuẩn y tế cao nhất.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 khẳng định sự chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội nước ta tại diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích khu vực.

Lo ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không xác nhận Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Như vậy, một lần nữa, Tổng thống D.Trump lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không. Ông D.Trump cho biết, chính phủ sẽ làm việc với Quốc hội và các nước đồng minh để xử lý "những lỗi nghiêm trọng của thỏa thuận", và trong trường hợp các nỗ lực thất bại, ông có thể rút sự tham gia của Mỹ đối với thỏa thuận này.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống D.Trump, các đồng minh của Mỹ cũng như Nga và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ lo ngại và cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ.

Ngày 13/10, chuyên gia người Pháp chuyên nghiên cứu các vấn đề Mỹ Julien Zarifian, nhận định, căng thẳng trong quan hệ Iran - Mỹ đã xuất hiện trở lại, kéo theo đó là sự hoài nghi và bất ổn trong khi các đồng minh châu Âu của Mỹ không biết nên phản ứng như thế nào. Chuyên gia này cho rằng cùng với việc lên án quyết định của chính quyền Mỹ, Iran sẽ từ chối mọi khả năng về thay đổi thỏa thuận. Trong khi đó, Anh, Đức và Pháp sẽ tiếp tục tránh chỉ trích quá nặng nề những quyết định của chính quyền D.Trump trong khi tiếp tục khẳng định cam kết đối với thỏa thuận đang mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Cũng theo ông Zarifian, quyết định của Tổng thống D.Trump "dường như mang động cơ chính trị". Quyết định này cho phép ông gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia, về đường lối cứng rắn với Iran cũng như thỏa thuận Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

Người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, nêu rõ, nếu một quốc gia rút khỏi thỏa thuận này, đặc biệt là nước quan trọng như Mỹ, chắc chắn sẽ kéo theo những hậu quả nặng nề. Quan chức này cũng cho biết Tổng thống Putin đã liên tục nhắc lại tầm quan trọng của thỏa thuận hiện nay.

Năm 2015, Iran và Nhóm P5+1, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức, đã kí một thỏa thuận lịch sử Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Theo đó, Tehran sẽ ngừng chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ngày 14/10, Pháp đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không phá vỡ thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1. Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Driancho biết Pháp "rất hy vọng Quốc hội Mỹ, cơ quan hiện chịu trách nhiệm đối với khả năng thỏa thuận đổ vỡ, không gây hại cho thỏa thuận này”. Ông Le Drian cho rằng nếu bãi bỏ một thỏa thuận đã được đánh giá cao sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tiến hành các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Pháp đánh giá thỏa thuận hạt nhân trên có tính ràng buộc chặt chẽ, giúp hạn chế phổ biến hạt nhân cũng như ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán thêm với Tehran sau thời hạn năm 2025 khi một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran dự kiến hết hiệu lực. Theo đó, nếu thỏa thuận hạt nhân được tuân thủ, Iran sẽ được hưởng đầy đủ các quyền của nước này theo hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp cho rằng đến thời hạn trên nếu cần thực hiện thanh tra thì sẽ đàm phán với Iran.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cũng bày tỏ lo ngại nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran bị phá vỡ và nhấn mạnh “”Đức có lợi ích lớn trong việc duy trì sự đoàn kết quốc tế mà cụ thể ở đây là thỏa thuận hạt nhân Iran””

Căng thẳng ngoại giao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 8/10, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng căng thẳng khi chính phủ hai nước bất ngờ tuyên bố ngừng cấp thị thực nhập cư cho công dân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước đều lấy lý do “đánh giá lại các cam kết an ninh”.

Có thể thấy, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình trạng bấp bênh, bất kỳ mâu thuẫn nào dù nhỏ cũng dễ bị thổi bùng thành xung đột. Các động thái ngoại giao đáp trả lẫn nhau giữa hai nước lần này được cho là “giọt nước tràn ly”, xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một số nhân viên lãnh sự Mỹ (vào ngày 5/10 vừa qua), với cáo buộc làm gián điệp, cụ thể là dính líu đến phong trào của giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện đang sống tại Mỹ, người mà Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn rằng đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Những sóng gió giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục bị đẩy lên khi Thổ Nhĩ Kỳ có những bước đi rời xa Mỹ, và tiến gần hơn đến với Nga, trong khi Mỹ lại tiếp tục ủng hộ tổ chức người Kurd ở Syria, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng chống đối.

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới tại Syria

Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vượt qua biên giới và tiến sâu vào tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, bước đầu triển khai kế hoạch thiết lập khu vực giảm căng thẳng tại đây. Tuy nhiên, động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi chưa được phép của chính quyền Syria. Đây cũng là lần thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria sau chiến dịch quân sự mang tên “Lá chắn sông Euphrates” nhằm mục tiêu đối phó với Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo”  tự xưng tại Syria vào tháng 8/2016.

Ngày 14/10, Syria đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút các đơn vị quân đội khỏi lãnh thổ nước này ngay lập tức, coi đây là hành động "xâm lược trắng trợn".

Thông báo của Bộ Ngoại giao Syria khẳng định việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các đơn vị thiết giáp qua cửa khẩu biên giới ở Bab al-Hawa tối 10/10 là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Theo đó, chính phủ Syria lên án mạnh mẽ việc Ankara triển khai tới tỉnh Idlib là động thái đe dọa chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Syria.

Tuy nhiên, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tiếp tục triển khai thêm các đơn vị pháo binh và xe thiết giáp tới khu vực sát biên giới với Syria. Đây được xem là một phần trong chiến dịch trấn áp các nhóm phiến quân người Kurd ở Syria. Bên cạnh đó, Ankara cũng tuyên bố động thái quân sự mà nước này đang phối hợp với một số nhóm ở Syria là phù hợp với những thỏa thuận can dự vốn đã nhất trí với Nga và Iran tại Astana, Kazakhstan.

Theo thỏa thuận đã đạt được với Nga và Iran hồi tháng trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/10 đã vượt biên giới và tiến sâu vào tỉnh Idlib để triển khai kế hoạch thiết lập một vùng giảm căng thẳng tại đây.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Syria mà chưa được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống al-Assad đang có nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus. Các nhà phân tích cho rằng, bất kỳ tính toán sai lầm của một trong các bên đều có thể khiến tình hình chiến sự tại Syria càng trở nên phức tạp hơn và tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường.

Mỹ và Israel rút khỏi UNESCO

Ngày 12/10, Mỹ đã có một động thái bất ngờ khi đột ngột tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2017. Không lâu sau quyết định của Mỹ, cũng trong ngày 12/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố nước này sẽ rút khỏi UNESCO.

Các nhà phân tích cho rằng, sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. Thời gian qua, Israel và chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về các quyết định của UNESCO, mà mới đây nhất là việc xếp thành cổ Hebron ở khu bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine (tháng 10/2017).

Việc Mỹ quyết định rút khỏi UNESCO lần này được coi là một cú sốc lớn và tiếp tục đặt tổ chức này đứng trước những thách thức mới. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, cho biết bà lấy làm tiếc trước động thái của Mỹ và nhấn mạnh đây là một mất mát với cả Mỹ và tổ chức UNESCO. Tại thời điểm hiện tại, bà cho rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố và vi phạm quyền tự do. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, quyết định rút khỏi UNESCO cũng được cho là sẽ gây bất lợi đối với Mỹ bởi chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi UNESCO là một lợi ích chiến lược, là nơi truyền bá các giá trị tinh thần.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017

Ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới, theo đó IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 3,6% trong năm 2017 và cho rằng nhịp độ tăng trưởng này có thể duy trì trong năm 2018.

Theo bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ phục hồi, mở ra cơ hội cho các quốc gia triển khai các biện pháp cải cách nhằm gặt hái những thành quả phát triển sâu rộng và bền vững. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, gần 75% nền kinh tế trên thế giới bắt đầu quá trình phục hồi, chứng kiến một giai đoạn phát triển mới và bền vững trong khi các hệ thống ngân hàng diễn biến ổn định hơn cùng với đó là lòng tin thị trường tiếp tục tăng. Vì vậy, đây là thời điểm mà các quốc gia phải nhanh chóng hành động, không để vuột mất thời cơ trong bối cảnh không ít những nguy cơ vẫn đang rình rập, trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng chậm, vấn đề bất bình đẳng ngày càng sâu sắc tại các nền kinh tế phát triển, ứng dụng đột phá công nghệ chưa hiệu quả và biến động chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.

Mưa kỷ lục tại Thái Lan trong 25 năm qua

Ngày 14/10, nhiều khu vực dân cư tại thủ đô Bangkok của Thái Lan đã chìm trong biển nước sau cơn mưa to kéo dài nhiều giờ đêm hôm trước.

Theo Phó Đô trưởng Bangkok Chakkaphan Bangkok, lượng mưa trút xuống thành phố trong đêm 13/10 là khoảng 203 mm, mức cao nhất trong 25 năm qua. Chính quyền Bangkok đã gửi lời xin lỗi người dân vì không thể nhanh chóng khắc phục tình trạng ngập lụt trên diện rộng sau cơn mưa vừa rồi. Thống kê ban đầu cho biết có 55 điểm ngập úng sâu trong thành phố, ảnh hưởng tới hoạt động di chuyển của người dân. Các bức ảnh về cảnh các phương tiện cơ giới chết máy trên các tuyến phố chính ở thủ đô lan tràn trên các trang mạng xã hội.

Cơ quan Khí tượng thủy văn Thái Lan dự báo tuần tới sẽ mưa nhiều hơn và người dân cần chuẩn bị cho tình huống xấu - ngập úng trên diện rộng, gây đảo lộn sinh hoạt thường nhật.

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG