The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra thảo luận
06/12/2018 - Lượt xem: 2793
Trong ngày làm việc thứ 2 (5-12) của kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XI, nhiều vấn đề “nóng” gây bức xúc xã hội thời gian qua đã được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã trả lời và chỉ đạo giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp.
Giải trình nhiều vấn đề cử tri quan tâm
 
Một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay là tình trạng giá cả các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, mía… xuống thấp, không ổn định; biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi; thực trạng hồ tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh khiến nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng trả nợ vay ngân hàng. Do đó, cử tri nhiều địa phương đề nghị UBND tỉnh có định hướng, giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như xem xét, có ý kiến để các ngân hàng hỗ trợ lãi suất hoặc khoanh nợ, cho vay mới đối với các trường hợp quá khó khăn, bị thiệt hại nặng nhằm ổn định sản xuất. Thay mặt UBND tỉnh trả lời về vấn đề này, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phối hợp với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị...
 
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại phiên thảo luận tổ.   Ảnh: Đ.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.T
 
“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá đúng thực trạng sản xuất, phát triển các cây trồng hàng hóa có thế mạnh của từng địa phương; xác định cây trồng, vùng trồng thích hợp và có định hướng, kế hoạch phát triển cụ thể, chi tiết diện tích từng loại cây trồng đối với từng thôn, xã và có phương án, đề án chuyển đổi cây trồng phù hợp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất từng vùng, từng địa phương theo định hướng của Trung ương và theo “tín hiệu” của thị trường. Cụ thể, nơi nào đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước thì chỉ đạo tổ chức phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững và đem lại hiệu quả cho người sản xuất. Nơi nào không thuận lợi thì khuyến cáo và có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây trồng khác thích hợp, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhưng trước hết chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân giải quyết triệt để vấn đề: sản xuất để làm gì, sản xuất bán cho ai, bán khi nào được giá, tránh tình trạng được mùa mất giá, cung vượt cầu... nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên thông tin.
 
Bên cạnh đó, để giúp người dân trồng hồ tiêu vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tích cực triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị-xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất.
 
“Đến cuối tháng 10-2018, các chi nhánh ngân hàng đã phối hợp cùng khách hàng tiến hành xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới. Cụ thể như sau: số khách hàng được hỗ trợ là 3.748 khách hàng, chiếm 73% tổng số khách hàng bị thiệt hại. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 324 tỷ đồng, chiếm 19,8% dư nợ của khách hàng bị thiệt hại; điều chỉnh giảm lãi suất 74 tỷ đồng, chiếm 4,5%; cho vay mới 682 tỷ đồng, bằng 41,7%. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định của Chính phủ, của ngành Ngân hàng”-ông Kpă Thuyên cho biết.
 
Ngoài ra, cử tri các địa phương cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã bị hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn trong đi lại cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông kịp thời nắm bắt tình hình và xác định được một số phương tiện có dấu hiệu vi phạm tải trọng hoạt động. Hiện nay, Sở Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra quyết liệt triển khai các kế hoạch, giải pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm tải trọng trên các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; đồng thời bố trí kinh phí duy tu sửa chữa một số đoạn hư hỏng nặng để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
 
Tìm giải pháp giải quyết “tín dụng đen”
 
Trong phần thảo luận tổ, vấn đề “tín dụng đen” nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Trong năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 6 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen” như cưỡng đoạt tài sản, xiết nợ, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại TP. Pleiku và các huyện: Chư Sê, Đak Đoa, Ia Grai, Kông Chro. Đáng chú ý là tội phạm liên quan “tín dụng đen” đã sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ gây án, tính chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng manh động, nguy hiểm.
Đại biểu Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah đề xuất giải pháp ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh: Tấn Dung
Đại biểu Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah đề xuất giải pháp ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh: Tấn Dung

 

 
Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” không những xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn ở ngay tại các đô thị. Tình trạng này đã diễn ra âm ỉ trong thời gian dài và ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt người trái pháp luật… làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Do đó, giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục kiến nghị để có quy định pháp luật cụ thể giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp phải tuyên truyền, vận động nhân dân tránh xa “tín dụng đen”, nó rất dễ vay nhưng sẽ gây hậu quả lớn khi lãi chồng lãi.
 
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị: “Chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm sao để người dân tiếp cận được các gói vay của ngân hàng nhanh nhất. Không để cho người dân “tự bơi” mà nên thông qua các tổ chức, đoàn thể để giúp đỡ, kết nối người dân với ngân hàng. Song song với đó, các cơ quan chức năng phải thống kê lại danh sách các hộ đã vay “tín dụng đen” và theo dõi lại những hộ này đã vay theo con đường nào để từ đó chúng ta vạch trần những nhóm cho vay nặng lãi. Chúng ta cũng phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi”.
 
“Nóng” tình hình tội phạm ma túy và quản lý, bảo vệ rừng
 
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu cũng băn khoăn trước tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp. “Chỉ trong năm 2018, Gia Lai phát hiện 164 vụ với 331 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 32 vụ, 46 đối tượng so với năm 2017); thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi, phức tạp, hầu hết các vụ phát hiện đều nhỏ lẻ, chủ yếu do các đối tượng nghiện hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện; chưa đánh trúng đường dây mua bán ma túy số lượng lớn”-đại biểu Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh-cho biết...
 
 
Đại biểu Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.T
Đại biểu Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.T
 
Bàn về vấn đề này, Đại tá Phan Thanh Tám nhấn mạnh: Gia Lai là địa bàn tiêu thụ, không có những đường dây lớn, không phải là nơi trung chuyển, sản xuất ma túy. Hầu hết các vụ án liên quan đến ma túy đều nhỏ lẻ, các đối tượng buôn bán ma túy từ TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum, các tỉnh phía Bắc đưa số lượng nhỏ vào đây tiêu thụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.060 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 106 đối tượng vừa mua bán vừa tổ chức sử dụng. Riêng địa bàn TP. Pleiku chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 50% đối tượng nghiện, mua bán ma túy và chiếm hơn 50% số vụ việc phát hiện liên quan đến ma túy. Trong thời gian tới, ngành Công an sẽ tiếp tục quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy. Trong đó, tập trung nắm số lượng cai nghiện ma túy tại cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tập trung; đặc biệt là chống tái nghiện, làm sao để các đối tượng sau khi cai nghiện bắt buộc về có thể tái hòa nhập cộng đồng…
 
Liên quan đến chỉ tiêu trồng rừng và công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2018, đại biểu Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-nhận định: Đến thời điểm này, công tác trồng rừng của một số địa phương trong tỉnh đạt thấp nên có thể chỉ tiêu trồng mới 7.000 ha rừng của tỉnh trong năm nay không đạt. Một vấn đề nữa được đại biểu Nguyễn Nhĩ trăn trở, đó là công tác quản lý, bảo vệ rừng tuy đạt nhiều kết quả nhưng so với yêu cầu thực tế tại địa phương thì vẫn chưa đạt. Đại biểu Nguyễn Nhĩ cho rằng: “Phải giải quyết được việc làm cho dân, tạo nghề ổn định cho dân từ rừng thì công tác quản lý, bảo vệ rừng mới làm được. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, vi phạm quản lý, bảo vệ rừng dân tham gia là chủ yếu, sau đó mới đến các đầu nậu. Một số chính sách nhà nước trong quản lý lâm sản vẫn chưa nghiêm. Đất sản xuất của dân khi nói tới thì bảo là thiếu nhưng thiếu bao nhiêu và thiếu như thế nào thì chưa có kiểm tra, chứng thực…”.
 
Ngoài ra, trong phiên thảo luận tổ chiều 5-12, các đại biểu đã tập trung vào những kết quả đạt được của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong năm 2018; công tác quản lý đất đai; phát triển du lịch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã kiểu mới…  
 
Hôm nay (6-12), kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XI sẽ bế mạc. Trước đó, kỳ họp sẽ tiến hành phiên thảo luận chung tại hội trường, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG