The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
14/12/2021 - Lượt xem: 1775
Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối đến các điểm cầu trong và ngoài nước.

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.

Tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày đã khẳng định: Trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường song dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước; đối ngoại Nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia là thành viên Liên hợp quốc; trong đó có 30 quốc gia là đối tác chiến lược, toàn diện; đồng thời, thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam là đối tác thương mại của 220 quốc gia, vùng lãnh thổ và được 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường; đồng thời, tham gia và có quan hệ tốt đẹp với các tổ chức, như: Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA”thế hệ mới”, như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; hiện là thành viên của 70 tổ chức, diễn đàn đa phương; 2 lần làm Chủ tịch ASEAN, 2 lần trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 2 lần là nước chủ nhà APEC.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong công tác bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã cơ bản xây dựng được đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng; kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của đất nước trên biển. Các lĩnh vực công tác đối ngoại như: ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn. Chỉ tính 5 năm gần đây, đã triển khai công tác bảo hộ cho trên 50.000 công dân, hơn 600 vụ việc, hơn 1.000 tàu với trên 10.000 ngư dân; tổ chức gần 80.000 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn trong đại dịch Covid-19. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế, ngoại giao “vắc xin”; cùng với việc tiếp nhận trên 151 triệu liều vắc xin và nhiều trang thiết bị y tế, chúng ta cũng đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia, tổ chức quốc tế. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Trong 5 đến 10 năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, với nhiều biến động to lớn, khó dự báo, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Các thách thức có thể gay gắt hơn, song Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội mới. Trong bối cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng cùng với thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới là nhân tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tại Hội nghị lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các lãnh đạo TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thành ủy Đà Nẵng đã trình bày nhiều báo cáo tham luận khẳng định đường lối, chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong suốt 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới cũng như đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII với chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân".

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của Dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao của nước ta, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Từ thế bị bao vây, cấm vận, nước ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia là thành viên Liên hợp quốc; thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam là đối tác thương mại của 220 quốc gia và được 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường; đồng thời, tham gia và có quan hệ tốt đẹp với các tổ chức, như: WTO, WB, IMF, APEC… Từ đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; hiện là thành viên của 70 tổ chức, diễn đàn đa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Dẫn chứng về hình ảnh cây tre Việt Nam, mềm mại, nhưng rất kiên cường như tính cách của con người, dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm về quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc. Qua đây, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu thời gian tới cần triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam; thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực. Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả. Ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Đức Trí

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG