Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện, băt giữ 264 vụ vi phạm (giảm 70 vụ so với cùng kỳ năm 2018) gồm phá rừng trái pháp luật 37 vụ với diện tích bị phá 40,900 ha; khai thác rừng trái phép 29 vụ; mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 183 vụ…
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương, mặt trận đoàn thể các cấp nên công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm đã giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn để xảy ra tình hình vi phạm phá rừng trái phép làm rẫy, khai thác gỗ, ken cây, cạo vỏ thông tạo thành điểm nóng đã được các phương tiện truyền thông đưa tin. Trong tổng số 264 vụ đã phát hiện và bắt giữ có 236 vụ xử lý hành chính (xử phạt: 98 vụ, tịch thu không xử phạt: 138 vụ), với khối lượng gỗ tịch thu 427,46 m3 gỗ các loại thuộc nhóm 1-8; tổng số tiền thu nộp Kho bạc nhà nước trên 1,6 tỷ đồng. Xử lý hình sự 28 vụ (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2018), gồm 11 vụ khai thác và 17 vụ phá rừng.
Theo đánh giá, nguyên nhân một phần chủ yếu là do một số chủ rừng, ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kịp thời nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, bị động trong việc đưa ra các giải pháp tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời để hậu quả xảy ra rồi mới vào cuộc dẫn đến rừng bị xâm hại nhất là diện tích rừng bị phá để lấy đất sản xuất.
Một số đơn vị chủ rừng chưa làm tốt công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng; không phát hiện và xử lý kịp thời khi để cháy rừng xảy ra làm thiệt hại diện tích rừng trồng chưa thành rừng; chưa quản lý và nắm chắc diện tích rừng được giao quản lý; chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng chưa làm tốt rà soát quy hoạch 3 loại rừng… Nhu cầu đất ở, đất sản xuất và lâm sản phục vụ cho tách hộ, sửa chữa nhà cửa, làm nhà mới trong dân còn rất lớn. Nhưng hiện nay cấp chính quyền địa phương cơ sở không năm được và chưa có chính sách đáp ứng, phù hợp; tình trạng mua bán, sang nhượng đất nương rẫy trái phép vẫn thường xuyên xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu.
.JPG)
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trong một lần đi khảo sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 6 tháng đầu năm 2019, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã nhấn mạnh và yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương và các chủ rừng cần quán triệt luật bảo vệ rừng, Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng thời thực hiện nghiêm túc Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động 38-Ctr/TU của Tỉnh ủy Gia Lai về lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ rừng cho người dân và cán bộ đảng viên.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị chủ rừng cần nêu cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nếu làm mất rừng phải xử lý theo quy định pháp luật; các lực lượng liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng phải nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, nếu vi phạm phải bị xử lý nghiêm, tuyệt đối không có ngoại lệ.
Đình Văn