Thời gian qua, ciệc di cư tự do, xâm canh, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm qua là một áp lực lớn, gây thiệt hại đến rừng.
Xác định được mối nguy cơ đó, tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, chính quyền cấp huyện bố trí tăng cường cán bộ Kiểm lâm về địa bàn, tham mưu ủy ban nhân dân cấp xã quản lý chặt chẽ tại cơ sở, phát hiện tình trạng di dân tự do, xâm canh, phá rừng trái pháp luật… để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai lồng ghép các đề án, dự án… nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện về quỹ đất để các địa phương giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân thiếu đất. Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động, giải quyết khó khăn về đời sống đối với người dân từ nơi khác di cư tới đã ổn định cuộc sống, không lôi kéo thêm người dân địa phương nơi mình xuất phát tới; giảm thiểu và triệt tiêu tình hình tranh chấp đất, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất và ổn định tình hình trật tự an ninh - xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân. Giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện việc rà soát dân di cư tự do hằng năm, bổ sung các hộ dân di cư tự do vào Quy hoạch bố trí dân cư của tỉnh, làm cơ sở lập dự án đầu tư. Phê duyệt và thực hiện Dự án ổn định dân di cư tự do huyện Kông Chro đạt kết quả tốt. Đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án bố trí dân cư cấp bách trên địa bàn tỉnh, trong đó có dân di cư tự do (hiện nay đã được Trung ương bố trí 30 tỷ đồng, trong đó dự án bố trí dân di cư tự do là 15 tỷ đồng).

Nhiều diện tích rừng bị người dân, nhất là dân di cư tự do lấn chiếm để lấy đất sản xuất
Trong giai đoạn 2017 - 2021, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, đã đầu tư các dự án: Dự án bố trí dân di cư tự do xã Chư Krey, huyện Kông Chro, đã bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho 43 hộ, với kinh phí thực hiện là 3.466 triệu đồng; nhập khẩu, cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ di chuyển nhà, làm nhà, tạo điều kiện cho các hộ hòa nhập cộng đồng dân cư tại chỗ và phát triển sản xuất, ổn định đời sống; Dự án cũng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân cư khu tái dân cư và cộng đồng dân tại chỗ, tạo điều kiện cho nhân dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp; các hộ dân đã an tâm sinh sống, lập nghiệp tại nơi ở mới. Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tập trung xã Ia Le, huyện Chư Pưh với quy mô 55 hộ, tổng mức đầu tư 6,05 tỷ đồng; Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng vùng dự án, hiện nay chuẩn bị tổ chức di dời dân đến nơi ở mới. Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang với quy mô 123 hộ, tổng mức đầu tư 12,23 tỷ đồng; Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng vùng dự án, hiện nay chuẩn bị tổ chức di dời dân đến nơi ở mới. Dự án bố trí ổn định dân di cư do xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện với quy mô 67 hộ, tổng mức đầu tư 24,17 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép là do do áp lực gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu đất canh tác tăng; từ đó gia tăng tình trạng phá rừng. Ngoài ra, một số người dân lấn, phá rừng, mở rộng rẫy trồng cây nông sản, cây công nghiệp hoặc để sang nhượng, trao đổi. Việc chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Nhà nước cùng với việc tách hộ của người dân địa phương làm tăng thêm nhu cầu đất sản xuất trong cộng đồng. Tập quán du canh của người đồng bào địa phương và tình trạng di dân tự do đã gây khó khăn, phức tạp thêm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Về giải pháp thời gian đến, thiết nghĩ các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị chủ rừng cần thực hiện thu hồi, kê khai, đăng ký chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng đối với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch trồng rừng và xây dựng phương án quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng bị lấn chiếm sau khi thu hồi; chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm. Tăng cường quản lý địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, chốt chặn các điểm nóng thường xảy ra hành vi vi phạm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm ngay tại gốc, nhất là tại các vùng giáp ranh, khu vực biên giới, địa bàn còn nhiều tài nguyên, nhiều loại gỗ quý. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Các đơn vị chủ rừng, cơ quan kiểm lâm nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng huyện, xã tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng vi phạm phức tạp, kéo dài, không có biện pháp khắc phục, gây thiệt hại đến rừng, nhất là đối với công chức, viên chức, người đứng đầu có biểu hiện tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Hoài An