The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Một số kiến nghị của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh nhằm quản lý tốt hơn một số hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh
04/12/2013 - Lượt xem: 7757
Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đời sống vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần, nghỉ ngơi, du lịch của nhân dân ngày càng tăng. Các hoạt động văn hóa công cộng đã trở thành nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân, nhất là lớp trẻ. Quản lý tốt các hoạt động này góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày một lành mạnh, văn minh trong xu thế hội nhập quốc tế. Qua đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai về “tình hình quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh”,

 Ban nhận thấy Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Thông tin - Truyền thông đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cấp huyện về công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá: Karaoke, quán Bar, quảng cáo, Internet. Hầu hết các địa phương cơ bản thực hiện đúng quy trình, thủ tục cấp phép kinh doanh Karaoke, Internet; chấp hành tốt các quy định có liên quan về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá; thực hiện theo quy hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn, yêu cầu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông. Tuy nhiên, qua giám sát, Ban nhận thấy còn nhiều khó khăn, tồn tại và bất cập trong cách quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa nhất là hoạt động Karaoke, hoạt động kinh doanh quán Bar và dịch vụ Internet công cộng.

 

 

Đối với lĩnh vực karaoke: Hiện nay, tình trạng cấp giấy phép Karaoke vượt chỉ tiêu (theo Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh) và số cơ sở Karaoke trên địa bàn tỉnh hoạt động không có giấy phép còn xảy ra ở một số địa phương. Theo Quyết định số 302/QĐ-UBND, toàn tỉnh có 178 chỉ tiêu (tính đến năm 2015) nhưng đến thời điểm giám sát theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch toàn tỉnh có 219 cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke với trên 800 phòng đang hoạt động, cụ thể trong đó: 183 cơ sở có giấy phép (cấp vượt 09 chỉ tiêu: Mang Yang 01; Kbang 01; Ia Grai 05; Chư Pưh 02). Huyện Chư Pưh mới thành lập năm 2010 nên chưa có chỉ tiêu; 36 cơ sở hoạt động không có giấy phép (An Khê: 14; Ayun Pa: 01; Chư Pưh: 07; Chư Sê: 02; Krông Pa: 04; Đức Cơ: 08). Toàn tỉnh còn 03 chỉ tiêu Karaoke chưa cấp phép (Ia Pa: 02, Đak Pơ: 01). Công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh Karaoke của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng có liên quan chưa thực sự quyết liệt, kịp thời, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh Karaoke gặp nhiều khó khăn, do thiếu về nhân lực và phương tiện kỹ thuật. Đối với tỉnh Gia Lai hiện nay, nhu cầu phát triển dịch vụ Karaoke là rất lớn, việc thực hiện theo quy hoạch của Quyết định 302/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án quy hoạch các điểm dịch vụ nhà hàng Karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, điều này đã tạo áp lực lớn trong công tác quản lý đối với các Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

 

Đối với lĩnh vực kinh doanh quán Bar: Các cơ sở quán Bar hiện nay đang bị lợi dụng và biến tướng: Theo quy định, các quán bar không có chức năng tổ chức các hoạt động nhảy múa của vũ trường. Nhưng hiện nay, tại thành phố Pleiku và huyện Đức Cơ, một số quán bar đã xuất hiện có sử dụng nhạc DJ, dàn âm thanh, ánh sáng nhiều màu… Thực tế khảo sát tại quán Bar Paradise (huyện Đức Cơ), Bar Sky night, Bar Wonder (thành phố Pleiku) vào lúc 8h sáng ngày 31/10/2013 và ngày 01/11/2013 đoàn khảo sát nhận thấy tại các quán Bar này bày bán rất nhiều loại rượu ngoại, có nhiều dàn âm thanh lớn, đèn ánh sáng nhiều màu (chỉ có ở vũ trường). Tại bar Sky night có rất nhiều rượu ngoại được khách ký gửi; tại bar Sky night, bar Wonder bia, rượu đổ lênh láng trên sàn, rác, khăn lạnh vương vãi… Việc kinh doanh quán Bar tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực về an ninh trật tự, an toàn xã hội, là nơi dễ xảy ra các vụ cố ý gây thương tích, đánh nhau gây rối trật tự công cộng; mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, hút bồ đà, hoạt động quá giờ quy định, gây mất trật tự khu dân cư, tạo nên sự lo lắng và phản ứng gay gắt của nhân dân. Nhưng hiện nay, chưa có một cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm chính thực hiện quản lý nhà nước đối với các quán Bar này. Đa số các quán bar có biểu hiện lách luật nhằm tránh việc thẩm định điều kiện kinh doanh vì theo quy định tại Điều 24, 25 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng thì kinh doanh vũ trường phải đảm bảo điều kiện về an ninh, trật tự; còn quán bar không thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nên doanh nghiệp núp dưới vỏ bọc này, chỉ cần đăng ký kinh doanh là được hoạt động. Đồng thời, tránh việc thẩm duyệt thiết kế cũng như giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy và trốn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt vì theo quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì thuế suất đối với loại hình kinh doanh vũ trường là 40%.

 

- Đối với dịch vụ kinh doanh Internet công cộng: Xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu song Internet đã có tác động đáng kể đến đời sống văn hóa của người dân nói chung và lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng. Gọi là đại lý Internet nhưng thực chất các đại lý nàu chủ yếu là nơi để phục vụ đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh chơi game. Các thành viên của đoàn giám sát đến thực tế tại 03 đại lý Internet tại thành phố Pleiku, huyện Đức Cơ và huyện Chư Păh, vào lúc 8h sáng nhưng mỗi quán đều có trên 2/3 số lượng máy đang sử dụng, trên 90% người sử dụng là các em học sinh đang chơi gameonline, nhiều em mặc đồng phục của trường. Những hệ lụy từ game online đã phát sinh nhiều mặt trái, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, tệ nạn xã hội tạo ra sự lo lắng, bất an cho nhiều gia đình và nhà trường. Việc thường xuyên chơi game online và sống trong ảo giác sẽ gây ra những hành vi dần ảnh hưởng đến đạo đức, làm tha hóa nhân cách, lệch lạc về nhận thức, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực, có thể hủy hoại tương lai của giới trẻ. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều trang web có nội dung xấu hoặc game online mang tính bạo lực vẫn tồn tại chưa được kiểm soát chặt chẽ tại các quán Internet, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của lớp trẻ. Từ những ảnh hưởng tiêu cực trên, nếu chúng ta không có những định hướng đúng đắn, để giúp các em biết lựa chọn và khai thác thông tin một cách hữu ích, thì hậu quả của nó mang lại là vô cùng nghiêm trọng. Do vậy cần hơn hết các nhà quản lý, gia đình, xã hội cùng chung tay, góp sức đưa ra những hướng đi và cách nhìn sâu rộng bởi Internet và công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão. Việc tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế và đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực, phát huy những mặt tích cực và hiệu quả của Internet mang lại là điều vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên.

 

Qua đợt giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh: Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định về các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, bổ sung quy chế hoạt động kinh doanh quán Bar; Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; đồng thời, cung cấp danh sách những trang web nào bị coi là xấu, cấm không được truy cập và những loại game online mang tính bạo lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. Đối với UBND tỉnh, Ban đã đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham mưu văn bản về tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng, trong đó có loại hình kinh doanh quán Bar trên địa bàn tỉnh; Quan tâm bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị cho thanh tra ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhất là các loại phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật như thiết bị đo ánh sáng; thiết bị đo âm thanh; máy ghi âm; máy quay phim. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của UBND các huyện không nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định số: 302/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh đã để xảy ra sai phạm trong việc cấp phép Karaoke vượt chỉ tiêu. Đồng thời, chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra liên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các quan Bar. Đối với các sở, ngành trong tỉnh Ban đã đề Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá; kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa có hành vi vi phạm hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Tham mưu và đề nghị UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án quy hoạch các điểm dịch vụ nhà hàng Karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020; sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng, trong đó có loại hình kinh doanh quán Bar, các loại hình tương tự có tính chất như vũ trường trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí phát hiện và công bố công khai các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh. Phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp đường truyền Internet tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp tất cả những văn bản liên quan đến việc quản lý và sử dụng dịch vụ Internet cho các đại lý Internet. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các đại lý Internet trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh quan tâm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh nhà hàng, dịch vụ Karaoke, trò chơi điện tử trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động kinh doanh trên, kịp thời phát hiện và phản ảnh những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

 

Với những kiến nghị, đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh hy vọng rằng trong thời gian tới quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn góp phần đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở tại địa phương.

 

Bài và ảnh: Thu Trang

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG