Cơ quan điều tra 02 cấp thụ lý 08 vụ/15 bị can (trong đó, án cũ 03 vụ/02 bị can; khởi tố mới 04 vụ/04 bị can; nhận hồ sơ trả điều tra bổ sung 01 vụ/09 bị can); đã kết thúc điều tra chuyển viện kiểm sát 02/02 bị can; không khởi tố 01 vụ; hiện đang điều tra 06 vụ/13 bị can và đang xác minh, làm rõ 08 vụ, việc.

Ảnh minh họa (nguồn GLO)
Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu trong phòng, chống tham nhũng; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở đơn vị, địa phương. Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng được coi trọng, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng. Quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, khắc phục những hạn chế, bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng. Công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, chủ động, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, kinh tế. Công tác kiểm tra, thanh tra phòng, chống tham nhũng được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, báo chí và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được phát huy.
Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và tự kiểm tra nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm góp phần ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên. Ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp ban hành, triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát năm 2019. Nội dung, đối tượng kiểm tra chú trọng lựa chọn lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh sai phạm; đồng thời, chỉ đạo nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát; công tác tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng ngừa vi phạm. Trong 06 tháng đầu năm, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã triển khai 05 cuộc kiểm tra, giám sát theo Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Qua hoạt động thanh tra, ngành thanh tra tiến hành 63 cuộc thanh tra hành chính tại 67 đơn vị. Đã kết thúc 40 cuộc thanh tra tại 42 đơn vị, có 24 đơn vị sai phạm. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 4,35 tỷ đồng (hiện đã thu hồi 3,26 tỷ đồng); chuyển sang cơ quan điều tra 02 vụ; tổ chức kiểm điểm và xem xét trách nhiệm đối với 02 tập thể, 66 cá nhân (trong đó có 03 cá nhân bị khiển trách, 01 cá nhân bị cảnh cáo). Ngoài ra, triển khai 07 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 40 đơn vị. Qua thanh tra, không phát hiện sai phạm về tham nhũng.
Qua giải quyết đơn, thư tố cáo về tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy nhận 01 đơn tố cáo cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành án dân sự, cố tình làm trái quy định, có biểu hiện tham nhũng. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, Cơ quan điều tra 02 cấp thụ lý 08 vụ/15 bị can (trong đó, án cũ 03 vụ/02 bị can; khởi tố mới 04 vụ/04 bị can; nhận hồ sơ trả điều tra bổ sung 01 vụ/09 bị can); đã kết thúc điều tra chuyển viện kiểm sát 02/02 bị can; không khởi tố 01 vụ; hiện đang điều tra 06 vụ/13 bị can và đang xác minh, làm rõ 08 vụ, việc.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý 03 vụ/11 bị can; đã ra quyết định truy tố 02 vụ/02 bị can; trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung 01 vụ/09 bị can.
Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý sơ thẩm 06 vụ/20 bị cáo; đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung 01 vụ/09 bị cáo; đã đưa ra xét xử 03 vụ/07 bị cáo; hiện còn 02 vụ/04 bị cáo.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Dư luận về “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn; một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu gương mẫu, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm trong chi tiêu tài chính. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Tiến độ giải quyết một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm do gặp khó khăn, vướng mắc trong khâu giám định. Một số đơn vị, địa phương thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước các năm 2015, 2016, 2017 và Nghị quyết số 130/NQ-HĐND, ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh chưa nghiêm túc nhưng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chưa theo dõi, tham mưu, đề xuất xem xét, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng hằng năm. Một số đơn vị, địa phương thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn chưa nghiêm túc, còn nhiều sai phạm.
Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại là do một số cấp ủy, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, một số quy định về phòng, chống tham nhũng thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, thiếu tính khả thi, không phù hợp thực tiễn.
Nhất Gia