Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thông qua nhiều hình thức, như: Phát hành các bản tin trên sóng phát thanh, truyền hình; các tài liệu hội nghị; ấn phẩm tuyên truyền, tờ rơi; hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế... Chủ động kết nối với một số đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam nhằm thiết lập mối quan hệ mới, thông qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đã cho phép 19 đoàn/58 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư thương mại, kết nối thương mại. Ngoài ra, còn có các đoàn đi học tập kinh nghiệm và công tác tại Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Thái Lan, New Zealand, Nepal, Ả Rập Xê Út.
Tạo điều kiện thuận lợi cho 28 đoàn/115 lượt khách từ đại sứ quán, doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài đến thăm, làm việc với tỉnh để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Nổi bật, tỉnh đã tiếp và làm việc với các tổ chức của Hàn Quốc đến tìm hiểu các sản phẩm là thế mạnh, du lịch của tỉnh để xúc tiến xuất, nhập khẩu 02 chiều Việt - Hàn và xúc tiến đưa khách Hàn Quốc sang khảo sát để quảng bá, giới thiệu tỉnh Gia Lai, thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bóng đá với Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp điều hành giữa các sở, ngành, địa phương trong thực thi các cam kết hội nhập và tiếp cận thị trường. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Nâng cao năng lực phòng ngừa, giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Thực hiện nhất quán chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong hợp tác kinh tế quốc tế, không để lệ thuộc vào một số ít thị trường. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, tăng cường tiềm lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Châu Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn trao đổi về kinh tế - xã hội với lãnh đạo tỉnh Preah Vihear - Vương quốc Campuchia. Ảnh: N.Đ
Tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear - Vương quốc Campuchia, tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch… Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký 02 bản ghi nhớ với chính quyền tỉnh Ratanakiri, 01 bản ghi nhớ với chính quyền tỉnh Stung Treng. Duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội với các tỉnh Hạ Lào (Attapeu, Champasak); ký biên bản ghi nhớ với chính quyền tỉnh Champasak. Đón tiếp nhiều đoàn cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, như: Mỹ, Nga, New Zealand, Australia, Séc, Cuba, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Indonesia… và các tổ chức quốc tế, như: EU, WB, Unicef… đến thăm, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thường xuyên kết nối với Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; qua đó, đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh, vận động, tranh thủ các nguồn vốn, chương trình hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và công nghệ hiện đại, phục vụ cơ cấu lại kinh tế của tỉnh. Tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, sự kiện giao lưu, gặp gỡ với các nước, như: Anh, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Châu Phi... tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngày càng gia tăng, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Thời gian đến, tỉnh sẽ tăng cường công tác đào tạo, phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt những thời cơ và thách thức khi hội nhập quốc tế, cũng như có biện pháp tích cực và chủ động phòng tránh rủi ro để phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tăng cường mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước trong xúc tiến thương mại, đầu tư. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới do các công ty FDI dịch chuyển sang Việt Nam (Như: Công tác quy hoạch, hạ tầng, đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo về năng lượng, cải cách thủ tục hành chính).
Nguyễn Văn