Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông luôn được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, giúp các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Với quyết tâm thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động giao thông, những năm qua, các địa phương, đơn vị đã tích cực phối hợp với Công an tỉnh, triển khai nhiều kế hoạch nhằm kiểm soát có hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, cán bộ công nhân viên và quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã chú trọng đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong giao ban, sinh hoạt, hội họp của chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, với các phương thức phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể, như: Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi an toàn giao thông; diễu hành, xe loa lưu động, triển lãm tranh ảnh, lắp đặt panô, áp phích, in ấn băng đĩa, tài liệu, phát tờ rơi tuyên truyền; nói chuyện chuyên đề trong và ngoài trường học, với hơn 6.779.243 lượt người tham gia; tổ chức 455 lớp tập huấn cho 37.024 lượt cán bộ, hội viên...; tổ chức đăng ký gia đình và khu dân cư an toàn giao thông; phân công cán bộ đến các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền miệng kết hợp với chiếu phim, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ; tuyên truyền qua mạng không dây wifi; tổ chức cho các chủ xe công nông ký cam kết không chở người và không được lưu thông trên Quốc lộ, đường tỉnh, trong thị trấn, thị xã và thành phố; vận động các doanh nghiệp vận tải cam kết không chở hàng quá tải; xây dựng các phong trào, mô hình, câu lạc bộ an toàn giao thông thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông khi tham gia giao thông.
.jpg)
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông-Trật tư Công an TP. Pleiku hướng dẫn người dân cách nhận biết các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Ảnh: Bá Bính
Tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” và “Gia đình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 07 mô hình điểm “Khu dân cư bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” tại các huyện Chư Sê, Chư Păh, Chư Prông, Đak Pơ, thị xã An Khê và thành phố Pleiku. Tỉnh đoàn thành lập 17 đội thanh niên tình nguyện xử lý các tình huống bất thường về tai nạn giao thông tại các huyện, thị xã, thành phố; củng cố hoạt động của 146 đội thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, duy trì 239 mô hình cổng trường an toàn giao thông. Đặc biệt, thành lập 03 đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông trên Quốc lộ 14 tại các huyện Chư Pưh, Chư Sê và Chư Păh (với số thành viên cốt cán là 10 thành viên/đội, từ khi thành lập đến nay, 03 đội đã tham gia sơ cứu, ứng cứu nhanh 19 vụ tai nạn giao thông, tiến hành sơ cứu tại chỗ 35 nạn nhân bị tai nạn giao thông, trong đó sơ cứu tại chỗ 15 trường hợp và chuyển lên bệnh viện tuyến trên 20 trường hợp bị thương nặng).
Công an tỉnh phối hợp đăng hàng ngàn tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình tai nạn giao thông, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin, truyền thông và Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh. Gọi hỏi, răn đe các đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm pháp luật giao thông, kiểm điểm trước dân, giao cho gia đình giáo dục, quản lý và yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Trực tiếp tuyên truyền pháp luật giao thông tại 6.345 địa bàn dân cư, trường học, điểm nhóm tôn giáo, trại giam, doanh nghiệp vận tải, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, chủ xe công nông…
Cùng với đó, công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông trong trường học được chú trọng, tích hợp giáo dục về an toàn giao thông cho các cấp học phù hợp theo từng lứa tuổi; tại các buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa của các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp và trên 70% học sinh phổ thông trung học tham gia tìm hiểu trực tuyến qua website của nhà trường. Triển khai cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” cấp trung học. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền an toàn giao thông theo hướng sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi tiểu phẩm, hoạt cảnh sân khấu, tăng cường các hoạt động ngoại khóa của các trường học theo chủ đề, chủ điểm hằng năm, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Đồng thời, triển khai mô hình “Cổng trường an toàn”; tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với phụ huynh và học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ; phát động, tổ chức cho học sinh tích cực tham gia các hội thi, cuộc thi do tỉnh và Trung ương tổ chức đạt được hiệu quả cao, thành tích tốt, như: Thi vẽ tranh “Thiếu nhi với An toàn giao thông” dành cho học sinh tiểu học; thi ảnh “Đi bộ an toàn” trên internet cho học sinh trung học cơ sở; thi “Giao thông thông minh” trên internet dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức; thi “An toàn cùng xe máy, xe đạp điện” dành cho học sinh trung học cơ sở; thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh và giáo viên trung học phổ thông; “An toàn giao thông - An ninh học đường và phòng, chống ma túy” dành cho khối trung học phổ thông.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Toàn tỉnh xảy ra 3.696 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.245 người, bị thương 3.937 người. So với 10 năm trước liền kề, giảm 1.842 vụ (3.696/5.538 vụ, tương đương giảm 33,26%); giảm 193 người chết (2.245/2.438 người, tương đương giảm 7,92%); giảm 3.060 người bị thương (3.937/6.997 người, tương đương giảm 43,73%). Trong đó, xảy ra 177 vụ rất nghiêm trọng, 34 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 1.798 vụ nghiêm trọng, 1.687 vụ ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số thời điểm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chưa giảm bền vững qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về an toàn giao thông còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa chuyển biến mạnh mẽ, nguy cơ gây tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số còn cao.
Lam Giang