Huyện Đak Đoa có 16 xã và 01 thị trấn; có 133 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó, 91 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số); 06 xã khu vực I, 07 xã khu vực II và 04 xã khu vực III. Dân số toàn huyện 124.295 người, gồm 26.269 hộ, với 124.295 khẩu, trong đó dân tộc kinh 56.379 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số 67.916 khẩu; có 17 dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.
Thời gian qua, với việc phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm trong công tác vận động quần chúng, lực lượng cốt cán đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thôn làng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn; tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng gia sản xuất, xây dựng Nông thôn mới, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn. Đa số cốt cán trong các tổ chức là những người tiêu biểu ở tất cả lĩnh vực, như: già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chi hội trưởng, chức sắc, chức việc tôn giáo, đảng viên, đoàn viên, hội viên,… Lực lượng cốt cán của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng cốt cán phong trào trong tôn giáo được tiến hành xây dựng đồng bộ trên cả 3 mặt: lựa chọn, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ; có hỗ trợ, đãi ngộ và khen thưởng động viên kịp thời, nhất là lực lượng cốt cán phong trào trong tôn giáo. Lực lượng cốt cán cơ bản đã phát huy được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phối hợp tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nơi cư trú; tích cực tham gia các phong trào do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động, góp phần ngăn chặn và giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn, như: xóa bỏ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tố giác tội phạm,…
Căn cứ vào tình hình thực tế và định hướng, sử dụng và phát huy hiệu quả lực lượng nòng cốt trong các phong trào quần chúng ở địa phương, tạo cầu nối quan trọng trong mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy Đảng và chính quyền với nhân dân. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26 tháng 7 năm 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong việc xây dựng lực lượng cốt cán trong Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020 để lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng cốt cán của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải trực tiếp và thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng cốt cán để họ thực sự trở thành những nhân tố tích cực, nòng cốt đi đầu trong các phong trào. Đồng thời, bồi dưỡng để lực lượng cốt cán ngày càng có kỹ năng trong việc vận động, tập hợp, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Lực lượng cốt cán trong dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Ảnh: Phương Thanh
Trước khi có Nghị quyết số 06-NQ/HU, công tác xây dựng lực lượng cốt cán của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được các cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn quan tâm; chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, nên phần nhiều cốt cán trong Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội còn thụ động trong phong trào, chưa mạnh dạn đấu tranh, ngại va chạm; thiếu kỹ năng vận động, thuyết phục quần chúng; khả năng truyền đạt những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, chưa tạo được quan tâm và thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Việc nắm bắt, phản ánh tình hình đời sống, tâm tư, tình cảm và tâm trạng người dân với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng chưa đầy đủ, kịp thời và chính xác. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, xã còn nhầm lẫn lực lượng cốt cán và lực lượng nòng cốt của tổ chức mình.
Sau khi có Nghị quyết số 06-NQ/HU, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã đã quan tâm chỉ đạo kịp thời chuyển tải nội dung của Nghị quyết đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Qua đó, lực lượng cốt cán đã từng bước nâng cao nhận thức, hiểu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình là làm nòng cốt, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chủ động nắm bắt tình hình, phản ánh những vấn đề phức tạp nảy sinh ở khu dân cư, giúp các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội kịp thời nắm bắt, đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện, xã có hướng chỉ đạo, giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Qua 03 năm triển khai công tác xây dựng, phát huy vai trò cốt cán trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/HU, thường xuyên tăng cường, bổ sung cốt cán tích cực, cốt cán trẻ xuất hiện thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra, cho nghỉ việc đối với cốt cán không hoàn thành nhiệm vụ, sức khỏe yếu, cốt cán có lời nói, việc làm sai trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động thì đến nay còn lại là 1.895 cốt cán, trong đó: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện có 348 cốt cán, Hội Nông dân có 391 cốt cán, Đoàn thanh niên có 196 cốt cán, Hội Liên hiệp Phụ nữ 568 cốt cán, Hội Cựu chiến binh có 276 cốt cán, Liên đoàn Lao động huyện có 116 cốt cán được phân bổ trên 17 xã, thị trấn.
Có thể khẳng định, việc chỉ đạo, lãnh đạo để xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán theo Nghị quyết số 06-NQ/HU đã đạt được những kết quả bước đầu; lực lượng cốt cán của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy được chức năng, vai trò của mình trong công tác vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động; tích cực tham gia công tác đấu tranh, giải quyết những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, các vụ việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã kịp thời tranh thủ, phát huy vai trò, nhiệm vụ của từng cốt cán; kịp thời rà soát, kiểm tra, đưa ra khỏi danh sách đối với cốt cán không hoàn thành nhiệm vụ và đề xuất thay thế, bổ sung cốt cán tích cực, cốt cản trẻ xuất hiện thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Phương Thanh