The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Vực dậy ngành điều Gia Lai
07/03/2016 - Lượt xem: 2082
Cùng với cao su, cà phê và hồ tiêu thì điều (đào lộn hột) cũng là một loại cây trồng chiến lược của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng trong những năm cuối của thế kỷ trước và còn tiếp sang thập niên đầu thế kỷ XXI. Theo thống kê, từ năm 2013 tổng diện tích điều của cả nước đã đạt hơn 310.000 ha, tập trung ở Tây Nguyên và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thế nhưng đến nay, diện tích điều này đã giảm đáng kể, đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn hơn 70.000 ha, giảm trên 30.500 ha, trong đó Đak Lak giảm từ 45.000 ha xuống còn 22.900 ha, tỉnh Gia Lai hiện còn hơn 20.000 ha. Ngay cả “vương quốc” điều là huyện Krông Pa từ năm 2001 đã được đầu tư 29 tỷ đồng xây dựng vùng trọng điểm điều của tỉnh với tổng diện tích dự kiến trên 10.000 ha đủ sức cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu nay cũng chỉ đạt 4.597 ha, nghĩa là mới hơn 45% so mục tiêu dự án đề ra.

 

 

Ảnh minh họa
Sơ chế hạt điều.

Theo tìm hiểu thực tế, bên cạnh nguyên nhân giá cả bấp bênh không hấp dẫn người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng điều thì còn một vài trường hợp do thiếu đất sản xuất khi tách hộ nên không ít người đã tự ý chặt phá vườn điều để chuyển sang trồng một số cây trồng khác (trước mắt là cây ngắn ngày). Còn một nguyên nhân nữa là do phần lớn những vườn điều trên địa bàn huyện đều được trồng vào đầu những năm 90 thế kỷ trước từ giống điều thực sinh (ươm hạt), nay đã già cỗi, năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp, năng suất không cao, chỉ đạt trên dưới 5 tạ/ha...

Vài năm gần đây giá mì từ 500 đến 600 đồng/kg tăng lên trên 1.000 đồng/kg nên nhiều hộ nông dân đổ xô vào trồng mì, bởi trên cùng một diện tích, trồng mì cho thu nhập cao hơn so với trồng điều thực sinh. Sức hút lợi nhuận từ cây mì mang lại đã làm cho nhiều hộ nông dân ở các huyện phía Đông của tỉnh và nhất là ở Krông Pa-nơi có Nhà máy Chế biến Nông sản Phú Túc-gần như ngoảnh mặt lại với cây điều! Trước thực trạng nêu trên, bước đầu chính quyền các địa phương đã có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm, tuy nhiên một vấn đề có tính quyết định đặt ra là phải tích cực khuyến cáo nông dân cải tạo diện tích vườn điều hiện có nhằm mang lại nguồn thu nhập cao cho người sản xuất. Mấy năm gần đây từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương thông qua các dự án, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Gia Lai đã thực hiện chuyển đổi và trồng mới hàng ngàn ha điều ghép ở các huyện: Kông Chro, Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ... Cây điều ghép đã nhanh chóng tỏ rõ thế mạnh vượt trội của mình bởi vừa dễ trồng, nhanh thu hoạch lại cho năng suất cao, giá ổn định, chu kỳ kinh doanh dài. Đây chính là động cơ để người dân tập trung đầu tư thâm canh cây điều ghép, hình thành và phát triển những vùng điều chuyên canh, tạo việc làm và ổn định đời sống cho người lao động như các vùng chuyên canh cà phê, cao su của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tổ chức rà soát lại diện tích điều thực sinh hiện có; các vườn điều trồng trên đất đồi cao, trồng trên đất cằn cỗi, địa bàn xa khó quản lý, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng rừng kinh tế nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.

Hiện nay giá hạt điều đạt mức 39.000 đồng/kg (ngày 1-3-2016), trong khi vài năm trước cùng thời điểm chỉ ở mức 18-20 ngàn đồng/kg. Được biết trong 11 tháng năm 2015, nước ta đã xuất khẩu trên 300.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,18 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng và 19,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Cũng theo Hiệp hội Điều Việt Nam Vinacas, năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điều (dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm phụ) đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD. Hiện hạt điều Việt Nam chiếm trên 50% thị phần giao dịch thương mại điều toàn cầu.

Mấy năm gần đây giá cả các loại cây trồng chủ lực của Gia Lai đã có bước thăng trầm. Cao su rớt giá thảm hại, cà phê cũng xuống giá và mới đây là hồ tiêu, tình hình này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó nguồn nước tưới cho vườn cây cũng gặp khó khăn khi hạn hán diễn ra khá nghiêm trọng trên diện rộng, nhiều vườn cà phê, hồ tiêu không đủ nước tưới, nhất là khu vực Tây Trường Sơn của tỉnh…Với ưu điểm chịu hạn do có đủ hệ thống rễ cọc và rễ ngang, đặc biệt rễ cọc đâm sâu dưới đất hút nước trong mùa khô kéo dài 5-6 tháng, sinh trưởng và phát triển tốt trên chân đất cao, ít màu mỡ cùng những đặc tính ưu việt khác, cây điều từ lâu đã khẳng định được lợi thế của mình trên đất bazan Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Ngay từ những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa cây điều vào trồng trên nhiều vùng di dân (dinh điền) của tỉnh thuộc địa bàn huyện Ia Grai, Đức Cơ bây giờ và hầu hết các vườn điều này đều phát triển cho năng suất cao (hiện một số xã của hai huyện nêu trên vẫn còn những cây điều có tuổi đời 50-60 năm này, cây vẫn cho ra trái).

Để vực dậy ngành điều thì việc đầu tư cải tạo vườn điều, nâng cao năng lực nhà máy chế biến, có chính sách đầu tư cho nông dân và tổ chức thu mua hợp lý, cùng với giá hạt điều xuất khẩu đã tăng ổn định sẽ không chỉ trực tiếp cứu vãn những vườn điều của Gia Lai mà còn đưa ngành điều trở lại vị trí là một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG