The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
20/05/2014 - Lượt xem: 2431
Sáng 20/5, thay mặt Chính phủ, báo cáo trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đã đạt kết quả tích cực.

Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ sáng 20/5.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua ... Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Giá cả, thị trường cơ bản ổn định.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng tăng 16,9%; nhập khẩu tăng 13,7%; xuất siêu khoảng 684 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013; chi ngân sách nhà nước đạt 32,9% dự toán, tăng 7,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6,7%. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 6%.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Chính phủ khẳng định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 5,4%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định. Dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá.

Trong 4 tháng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 16,2% về vốn; đã có hơn 5,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ, cơ quan, địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các trọng tâm tái cơ cấu. Xác định nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015. Trong 4 tháng có 27 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, 238 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, 50 doanh nghiệp công bố giá trị doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), 11 doanh nghiệp thực hiện các hình thức sắp xếp khác. Tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Đã triển khai việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2014 theo kế hoạch trung hạn; tập trung vốn và đẩy nhanh giải ngân cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Khung pháp lý về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện.

Triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều mô hình tốt, phát huy hiệu quả. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4%, cao hơn so với toàn ngành. Ban hành và triển khai thực hiện lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực để phát triển thị trường điện cạnh tranh. Một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin... được chú trọng phát triển.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, vùng, vùng kinh tế trọng điểm, địa phương gắn với tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận, nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chậm đi vào cuộc sống (như gói hỗ trợ tín dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ lãi suất đối với tôm, cá tra, tái canh cây cà phê, việc đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan…). Tổng cầu thấp, sức mua vẫn còn yếu; tiêu thụ sản phẩm, nhất là gạo và một số nông sản còn nhiều khó khăn. Nhập khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn thấp. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Môi trường đầu tư còn nhiều bất cập. Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn nhiều trở ngại, chưa đạt yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, dự báo tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt là các diễn biến mới đây ở Biển Đông, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo cụ thể hoá và triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đã đề ra trong các Nghị quyết, các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, cần tập trung thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn gồm: Tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Phát triển văn hóa, xã hội; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công.

Đề nghị Chính phủ dự báo và có các giải pháp xử lý sát tình hình

Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành những đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ cho rằng kết quả 4 tháng là tích cực. Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế chưa cải thiện; tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, người nông dân tiêu thụ một số nông sản phẩm chưa có lợi cao; một số vấn đề xã hội nảy sinh.

Cụ thể là, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn tiếp tục phát sinh những dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu tính theo giá so sánh, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế này trong cùng kỳ 3 năm giảm từ 2,37% xuống 2,24% và 1,91%, trong đó có cả nguyên nhân thị trường tiêu thụ khó khăn, giá cả bấp bênh. Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng giá nông sản trong nước và thế giới liên tục giảm, trong khi các yếu tố đầu vào của các nông sản phẩm không giảm cùng chiều làm cho thu nhập thực tế và đời sống của dân cư khu vực nông thôn trong 2 năm vừa qua bị suy giảm và tác động tiêu cực đến sức mua chung của thị trường trong nước.

Tính đến hết quý I/2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (48,9%), nhưng đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo chỉ số kinh doanh Việt Nam năm 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, lòng tin giảm, sự lo ngại về thất bại khi kinh doanh là nguyên nhân khiến tỷ lệ đăng ký khởi sự kinh doanh rất thấp, cho thấy rất cần chính sách hỗ trợ kinh doanh kịp thời, mạnh mẽ hơn.

Một số ý kiến lo ngại về việc phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô lớn nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại chiếm 86% tổng nguồn huy động trái phiếu Chính phủ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng đầu tư tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của doanh nghiệp và một số ý kiến cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khó tiếp cận vay vốn tín dụng. Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội có tác động thị trường bất động sản (30.000 tỷ đồng) đạt thấp, đến ngày 15/03/2014 mới giải ngân được 1.322 tỷ đồng tương đương khoảng 4,41% cho 3.023 khách hàng.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương mới chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu tính thuyết phục, gây tâm lý không tốt trong dư luận xã hội như việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư một số công trình lớn. Dịch bệnh sởi, bệnh tay chân miệng xuất hiện, diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong khi đó công tác truyền thông, hướng dẫn và cách thức xử lý dịch bệnh còn lúng túng chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ đã bám sát mục tiêu, 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đề nghị Chính phủ dự báo, đánh giá và có các giải pháp xử lý sát tình hình.

Cụ thể, nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách mới như: liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh bắt thủy, hải sản, nuôi cá tra, cá ba sa... Song, đa số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát và đề xuất có hệ thống chính sách đủ mạnh trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hệ thống chính sách này để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm tính ổn định và tạo yên tâm cho người nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn tiêu thụ hàng hóa và thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm và phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.

Nhiều ý kiến đánh giá cao và cho rằng việc Chính phủ đã điều chỉnh quản lý đầu tư công vừa qua là sự thành công bước đầu, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ trương đầu tư đến xem xét phân bổ nguồn vốn từng dự án, công trình, từng địa phương... đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, giảm lãng phí. Tuy nhiên, xét về mặt quản lý và sử dụng tài sản công, của cải của đất nước một cách hiệu quả cao nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, tăng cường quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm cắt bỏ những bất hợp lý và xử lý, quy trách nhiệm đến cùng đối với người đứng đầu khi vi phạm hoặc để xảy ra lãng phí trong từng dự án, từng công trình. Lưu ý rà soát một số dự án, công trình giao thông nếu thiết kế theo cách làm cũ có dấu hiệu lãng phí; việc đầu tư và chuyển loại đô thị quá nhanh của một số địa phương mà chính các địa phương này chưa cân đối được ngân sách, nhất là trong thời kỳ khó khăn bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh thì việc chuyển loại đô thị, xây dựng trụ sở mới và một số công trình khác chưa thật sự cấp bách là chưa tạo sự đồng thuận dư luận xã hội.

Đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức giám sát diện rộng và có chủ trương điều chỉnh mạnh về vấn đề này. Bên cạnh đó, rà soát chi tiêu quản lý hành chính, chi hoạt động sự nghiệp, điều chỉnh ưu tiên chi cho con người và đồng thời có các biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ cán bộ, công chức.

Tiếp tục xử lý hiệu quả hơn vấn đề hàng hóa tồn kho, nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản, nâng cao tính ổn định và lành mạnh các thị trường: tiền tệ, chứng khoán, bất động sản. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, có các giải pháp tăng giá trị trong nước đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước láng giềng bảo đảm thông suốt và an toàn tài sản của doanh nghiệp và người dân; ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trước tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp triển khai chủ trương của Đảng qua ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đồng thời, chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… Bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân. Tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cảnh giác với luận điệu xấu, không manh động, bị kẻ xấu lôi kéo có những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư và hình ảnh, uy tín của đất nước và nhân dân ta./.

(Theo ĐCSVN)

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG