The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số
20/08/2018 - Lượt xem: 1696
Ngày 20/8, tại Quảng Nam, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số với Chủ đề “Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số”.

 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang; đại diện các tổ chức quốc tế; các nhà khoa học; các doanh nghiệp.

Kỳ vọng lớn cho Sâm Ngọc Linh

Mục đích của diễn đàn nhằm tiếp cận giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số bền vững thông qua phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nói chung và các dược liệu quý của Việt Nam nói riêng. Kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức đối tác quốc tế và sự đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển các chuỗi giá trị phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số.

Quảng bá hình ảnh, giá trị và tiềm năng di thực của cây sâm Ngọc Linh, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Sâm Việt Nam, phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số. Đưa ra các khuyến nghị chính sách với các bộ ngành Trung ương và các địa phương nhằm bảo đảm sự tham gia, hưởng lợi của người dân tộc thiểu số và thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển các chuỗi giá trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, việc tổ chức thành công diễn đàn này chính là kỳ vọng lớn đối với sâm Ngọc Linh, không chỉ là thoát nghèo mà còn mang lại sự giàu có cho người dân nơi đây, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng.

Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam” đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đến 9.000 tỷ đồng. Kèm theo đó là những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho sản phẩm có tiềm năng lớn về kinh tế và y học này.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, gần 14 triệu người, chiếm 13,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã; chủ yếu ở vùng núi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; giao thông, thông tin cách trở, rất hạn chế trong việc tiếp cận với thị trường. Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là “lõi nghèo” của cả nước; “đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh” vẫn đang là thách thức lớn.

Diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, quê hương của “sâm Ngọc Linh”, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia có giá trị dinh dưỡng, giá trị dược liệu cao, có thể thích nghi với nhiều địa bàn vùng núi, được chọn làm điểm nhấn của cuộc hội thảo, như là một gợi mở cho các ý tưởng khởi sự kinh doanh phong phú, đa dạng khác.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong diễn đàn này, chúng ta đã được nghe những chia sẻ về phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị trong phát tiển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; những khuyến nghị về thay đổi phương pháp tiếp cận từ “giảm nghèo” sang “làm giàu” vừa bảo đảm phù hợp nền kinh tế thị trường vừa dựa trên những lợi thế của khu vực miền núi.

“Nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao”.

Với tinh thần đó, việc Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 lựa chọn chủ đề "Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số" thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Tạo ra chuỗi giá trị từ cây sâm Ngọc Linh

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu để Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp cùng các đối tác phát triển tiếp tục nghiên cứu, thực hiện, cùng chung tay, đồng hành, sát cánh vì mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới.

Đó là, tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là mô hình có thể triển khai ở những địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, gắn với các tiêu chí giảm nghèo đa chiều khác… Đặc biệt, là mô hình tạo ra chuỗi giá trị phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ cây sâm Ngọc Linh đã có những thành công rất ấn tượng có thể di thực, thí điểm, nhân rộng ra ở những địa phương có điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu, độ che phủ của rừng…

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, ở Việt Nam còn nhiều cây dược liệu quý, đặc hữu khác, giá trị cao ở cả đồng bằng và miền núi trên nhiều độ cao và khí hậu khác nhau, nếu được định hướng nghiên cứu đầu tư đúng mức và áp dụng mô hình phát triển như sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra chuỗi giá trị góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển khá giả, làm giàu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, có chính sách huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng KTXH như điện, đường, trường, trạm, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn; huy động sức mạnh tổng lực của Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp chung tay liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, hướng dẫn để người dân nắm chắc kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, phát triển giống, công nghiệp chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; có giải pháp chống hàng giả, đăng ký chỉ dẫn thương hiệu, phát triển thị trường trong và ngoài nước, phát triển vùng chuyên canh gắn với du lịch... Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và cam kết mạnh mẽ cho phát triển, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng các loại hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình với các quy mô khác nhau, chống hàng giả.

Xác định chiến lược phát triển sâm Việt Nam mà nòng cốt là sâm Ngọc Linh là bước đi đúng đắn. Đồng thời, các địa phương khác cũng nghiên cứu vận dụng theo mô hình này đối với những sản phẩm có thế mạnh đặc hữu khác để xây dựng các chiến lược, kế hoạch, lộ trình triển khai. Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững để xây dựng, phát triển sự khá giả, giầu có đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Lựa chọn mô hình đặc hữu để phát triển

Các địa phương khác lựa chọn các sản phẩm đặc hữu, mô hình áp dụng, có kế hoạch và lộ trình triển khai đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững. Phát triển chiến lược sâm Việt Nam, nòng cốt là sâm Ngọc Linh là hướng đi đúng đắn, nhưng đồng thời cũng cần nghiên cứu các chiến lược, sản phẩm thế mạnh, đặc hữu khác.

Theo Phó Thủ tướng, để xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh KTXH giai đoạn sau 2020, các bộ ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển KTXH vùng dân tộc miền núi.

Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi. “Chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số những người sinh ra và lớn lên cùng với rừng, gắn bó với rừng mới là những người bảo vệ rừng tốt nhất, hiệu quả nhất. Rừng là một nguồn tài nguyên quý giá, là mái nhà chung, che chở cho người dân nơi đây và vùng hạ du. Vì vậy chúng ta phải có những chính sách hữu hiệu để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tham gia vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả, người dân nơi đây yên tâm sống với rừng, làm giàu từ rừng, viết nên những câu chuyện huyền thoại, truyền cảm hứng làm giàu của những tỷ phú sâm Việt Nam trên rừng đại ngàn Ngọc Linh”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính diễn đàn ngày hôm nay, từ những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển KTXH của các địa phương khác để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững KTXH của địa phương mình.

“Nếu có thể, hãy nghiên cứu những đề xuất về di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập. Tôi cũng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.

Đây là nói riêng về cây sâm Ngọc Linh, ngoài ra chúng ta còn có rất nhiều các loại dược liệu quý khác cần kêu gọi sự hợp tác của các thành phần kinh tế để làm sống động, góp phần phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.

Theo Chinhphu

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG