The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Quan tâm thực hiện chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
16/02/2020 - Lượt xem: 2354
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều giải pháp liên quan đến công tác dân tộc, nhờ đó công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, thôn, làng có điện, trên 80% hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Việc đầu tư các công trình thủy lợi cũng được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi kiên cố, tổng năng lực thiết kế tưới cho gần 55.000 ha cây trồng và đã phát huy được trên 70% năng lực thiết kế. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số 97.709 triệu đồng (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 32.157 triệu đồng, vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 45.496 triệu đồng, ngân sách địa phương 20.056 triệu đồng). Đã giải quyết đất ở cho 370 hộ, diện tích 6,21 ha; đất sản xuất 413 hộ, diện tích 221,52 ha; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 4.204 hộ; nước sinh hoạt phân tán 6.442 hộ; duy tu bảo dưỡng 225 công trình nước sinh hoạt tập trung.

 

Đối với việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và định canh định cư giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 20.472 hộ (trong đó, hỗ trợ đất ở 1.341 hộ, diện tích 26 ha; đất sản xuất 356 hộ, diện tích 290 ha; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 6.026 hộ; nước sinh hoạt 6.479 hộ; hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh 6.160 hộ; định canh, định cư 110 hộ), với tổng kinh phí 546.404 triệu đồng (trong đó, ngân sách Trung ương 85.795 triệu đồng; vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 459.709 triệu đồng; ngân sách địa phương 900 triệu đồng). Đến nay, đã thực hiện được 1.190 hộ (vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh 1.069 hộ, hỗ trợ đất ở 121 hộ), kinh phí 42.386 triệu đồng (vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 40.265 triệu đồng, ngân sách địa phương 2.121 triệu đồng). Các hợp phần còn lại của Đề án vẫn chưa thực hiện được, như: Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư do Trung ương chưa phân bổ vốn.

Từ năm 2015 đến nay, dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh là 840 hộ/2.626 khẩu, tập trung ở một số huyện: Mang Yang, Chư Pưh, Phú Thiện, Đak Đoa, Kông Chro,... trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số 455 hộ/1.551 khẩu. Đa số dân di cư tự do là hộ nghèo ở các tỉnh phía bắc vào, phân bố rải rác hầu hết ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, địa điểm không tập trung. Với sự hỗ trợ của Trung ương cùng với sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đến nay việc giải quyết tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Tỉnh đã thực hiện 08 dự án, phương án bố trí dân cư (trong đó 05 dự án, 03 phương án), tổng kinh phí thực hiện hơn 87,2 tỷ đồng; trong đó, đã có gần 1.500 hộ dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ làm nhà ở với kinh phí hơn 56 tỷ đồng. Việc thực hiện các dự án bố trí dân cư đã góp phần ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Đông

Giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt kết quả tích cực, đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, các thôn, làng ở xa trung tâm xã đã có điểm trường. Các huyện, thị xã, thành phố đều có trường trung học phổ thông, 15 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và 02 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông với 3.980 học sinh theo học và 25 trường phổ thông dân tộc bán trú với 3.950 học sinh ở 08 huyện. Trong 3 năm học liên tục, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp đạt 100%. Trong những năm qua, đã tuyển sinh đào tạo cho 9.385 người; trong đó, hệ cao đẳng 342 người, hệ trung cấp 846 người, hệ sơ cấp dưới 3 tháng 8.197 người. Lao động được đào tạo là người dân tộc thiểu số chiếm 41,5% (3.892 người), phụ nữ chiếm 30,1% (2.828 người). Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, khuyến nông, sửa chữa điện dân dụng, cơ khí, xây dựng. Đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm về số lượng và nâng cao về chất lượng, hiện có 2.576 cán bộ, giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,28% so với tổng số giáo viên toàn ngành. Công tác bảo tồn chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số được các ngành quan tâm. Hiện nay, có khoảng 500 học sinh người dân tộc thiểu số tại tỉnh học song ngữ Bahnar - Việt, Jrai - Việt. Các sách công cụ, như: Từ điển Bahnar - Việt và Jrai - Việt được một số nhà giáo, nhà nghiên cứu, cơ quan thực hiện và phổ biến.

Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, nhất là mạng lưới y tế cơ sở, vật tư y tế được đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chính sách về bảo hiểm y tế được triển khai tích cực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, 77,5% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 80% trạm y tế xã có bác sỹ; 100% cơ sở điều trị cơ bản đảm bảo đủ thuốc chủ yếu để điều trị theo quy định; xã hội hóa về y tế bước đầu đạt kết quả tốt, trong đó, một số bệnh viện tư nhân hoạt động có hiệu quả, như: Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn…

Công tác xóa đói, giảm nghèo được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, định canh định cư giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12 tháng 4 năm 2017 về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đã có hơn 276.000 lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất với kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh từ 11,36% năm 2015 (chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015), xuống còn 7,04% vào cuối năm 2019 (tương đương 25.807 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm hơn 5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư, nhiều thôn, làng, xã đã có nhà văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 106/221 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa được xây dựng riêng (chiếm 48%). Định kỳ 05 năm 1 lần, đại hội các dân tộc thiểu số được tổ chức từ cơ sở đến huyện và tỉnh. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Việc thay đổi tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hạn chế được một số tiêu cực, thủ tục rườm rà; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở vùng dân tộc thiểu số.

Đài phát thanh, truyền hình đã phủ sóng hầu hết các địa bàn trong tỉnh; thời lượng phát thanh truyền hình tiếng Jrai, Bahnar đạt 60 phút/ngày; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%; ngoài báo viết, báo Gia Lai có báo ảnh chú thích bằng 2 thứ tiếng (Jrai, Bahnar) 4 kỳ/tháng, số lượng 3.000 tờ/kỳ. Thông tấn xã Việt Nam biên dịch ấn phẩm Báo Ảnh Dân tộc và miền núi song ngữ Việt - Jrai, Việt - Bahnar, phát hành đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hiện có 20 tờ báo, tạp chí được cấp không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân...

Nguyễn Hoàng

 

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG