The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Hỏi đáp công tác Đảng

Hỏi đáp công tác xây dựng Đảng

12/10/2018 10:45:42 AM

            Hỏi: Việc sinh hoạt đảng thường kỳ của đảng viên sinh hoạt tạm thời được hiểu như thế nào?

Trả lời: Đảng viên sinh hoạt tạm thời có nhiệm vụ, quyền hạn ở cả nơi sinh hoạt chính thức và nơi sinh hoạt tạm thời. Tuy nhiên, ở nơi sinh hoạt tạm thời chi bộ không tính đảng số của đảng viên này (không có quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử), nhưng phải đóng đảng phí và có nghĩa vụ sinh hoạt thường kỳ như đảng viên của chi bộ.

Như vậy, việc sinh hoạt đảng thường kỳ 1 tháng 1 lần của đảng viên sinh hoạt tạm thời thì thực hiện tại nơi sinh hoạt đảng tạm thời. Việc tham gia sinh hoạt đảng tại nơi sinh hoạt chính thức được khuyến khích nếu có điều kiện tham gia.

            Hỏi:  Ở chi bộ đang sinh hoạt, có đảng viên dự bị sau khi đủ 12 tháng dự bị nhưng chi bộ và đảng ủy cơ sở quên không làm thủ tục công nhận đảng viên chính thức cho đảng viên. Từ thời điểm dự bị đến nay đã được 6 năm vậy phải thực hiện như thế nào cho đúng quy định (lỗi không phải từ phía đảng viên).

Trả lời: Điểm 4 (4.2 b) Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của BCH Trung ương quy định: “a) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày đảng viên hết 12 tháng dự bị, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho đảng viên; nếu không đủ điều kiện công nhận là đảng viên chính thức thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên.

b) Đảng viên dự bị đủ điều kiện được công nhận là đảng viên chính thức, dù chi bộ họp chậm, cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y chậm, vẫn được công nhận đảng viên chính thức đúng thời điểm hết 12 tháng dự bị”.

Trường hợp nêu trên đã vi phạm Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016, lỗi chủ yếu thuộc về chi bộ và các cấp ủy có liên quan. Vì vậy, chi bộ và các cấp ủy có thẩm quyền phải làm thủ tục chuyển đảng viên chính thức cho đảng viên; thời gian công nhận đảng viên chính thức được tính từ ngày hết hạn dự bị. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm trên.

            Hỏi: Đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng khi dự hội nghị chi bộ cuối năm có được tham gia biểu quyết bình xét đảng viên của chi bộ không? Khi tính tỷ lệ bình xét đảng viên cuối năm của chi bộ, phương án nào sau đây là đúng?

Phương án 1: Tính tổng số đảng viên của chi bộ (kể cả đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng).

Phương án 2: Số đảng viên có mặt trong buổi họp chi bộ (kể cả đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng).

Phương án 3: Đảng viên có mặt trong buổi họp (không tính các đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng và các đảng viên vắng mặt có lý do chính đáng).

Trả lời: Căn cứ Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ, đảng viên hằng năm, tại Điểm 2.2.3. quy định: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đảng viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và phải có trên 2/3 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ điều kiện đạt mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và phải có trên 1/2  số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành; đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là đảng viên cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao và có trên 1/2 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành; đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ là đảng viên đang chấp hành kỷ luật của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời hạn 1 năm hoặc vi phạm một trong các khuyết điểm… và có trên 1/2 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành.

Như vậy, việc xếp loại đảng viên phải tính trên tổng số đảng viên chính thức của chi bộ. Tuy nhiên, đảng viên chính thức của chi bộ đến dự thì tính, nếu không đến dự thì không tính vào con số đảng viên để bình xét các danh hiệu nêu trên (vận dụng theo Điểm 13.2 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20-9-2016 của Ban Bí thư về thi hành Điều lệ Đảng).

Như vậy, đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng khi dự hội nghị chi bộ cuối năm được tham gia biểu quyết, bình xét đảng viên của chi bộ và phương án 2 là câu trả lời đúng.

          Hỏi: Tôi có bố đẻ bị kết án tù treo 6 tháng và đã được tòa án xóa án tích. Tôi được biết Bộ luật Hình sự quy định khi được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án và lý lịch tư pháp của người đó cũng không bị ghi đã từng có tiền án. Vậy khi làm hồ sơ kết nạp đảng viên, trong quyển lý lịch đảng viên phần khai về bố, tôi có cần ghi bố bị kết án tù không?

Trả lời:  Điều 4, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: Người vào Đảng phải báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ. Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 5-6-2017 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên”, ở Mục 1.3 Khai và chứng nhận lý lịch của người xin vào Đảng, điểm 22, khoản 1.3.2 về hoàn cảnh gia đình: Cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ), cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng), vợ (hoặc chồng). Ghi rõ: họ và tên, năm sinh, nơi sinh, quê quán; nơi cư trú, nghề nghiệp, thành phần giai cấp, lịch sử chính trị của từng người qua các thời kỳ.

Như vậy, trường hợp của đồng chí trong lý lịch đảng cần khai đầy đủ việc bố bị kết án tù nhưng được hưởng án treo và đã được xóa án tích.

        Hỏi: Có đảng viên được chi bộ bình xét là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016. Sau đó, chi bộ báo cáo lên đảng ủy cấp trên để xem xét, công nhận danh hiệu cho đảng viên. Tuy nhiên, tại hội nghị của BCH Đảng bộ họp bình xét đảng viên trong năm 2016 đã giới thiệu thêm một số đảng viên khác ở trong đảng ủy, có đưa thêm 2 đảng viên của chi bộ tôi (như vậy chi bộ tôi có 5 người được đưa vào danh sách bỏ phiếu, theo quy định là thừa 2 người) và tiến hành bình xét bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với tất cả các trường hợp của các chi bộ bình xét tín nhiệm và các trường hợp được giới thiệu trực tiếp. Sau khi bỏ phiếu, đảng viên của chi bộ tôi có 4 người được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có 2 người không phải do chi bộ tôi nhất trí bỏ phiếu.

         Xin hỏi việc bình xét của Đảng ủy như vậy có đúng không? Được quy định tại văn bản nào?

Trả lời: Điểm 2 (2.2.3a) Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đảng viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và phải có trên 2/3 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác thì phải được phân loại cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc được đề nghị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở hoặc trong năm có thành tích xuất sắc được cấp bộ hoặc cấp tỉnh tặng bằng khen.

Số đảng viên được phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 15% số đảng viên được phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và đề nghị cấp trên khen thưởng; đối với chi bộ có dưới 7 đảng viên thì không quá 1 đồng chí; đảng bộ, chi bộ có thành tích đặc biệt xuất sắc thì số đảng viên xuất sắc có thể tăng thêm nhưng không quá 20% số đảng viên được phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên thì việc đảng ủy tự ý đưa thêm 2 đảng viên vào danh sách bình xét đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là không đúng với quy định hiện hành của Đảng.

          Hỏi: Đối với quần chúng chưa có chồng mà đã có con thì có được xem xét kết nạp vào Đảng hay không?

Trả lời: Phụ nữ có con ngoài giá thú là quyền của phụ nữ đã được pháp luật thừa nhận. Việc phụ nữ chưa có chồng mà đã có con nhưng không vi phạm pháp luật và các quy định hiện hành của Đảng; không vi phạm vào những điều đảng viên không được làm thì vẫn được xem xét, kết nạp vào Đảng như những quần chúng khác.

          Hỏi: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cấp trên cơ sở có trên 30 đảng viên có được lập đảng bộ bộ phận không? Nếu được lập, đảng bộ bộ phận đó trực thuộc cấp ủy cấp trên cơ sở hay trực thuộc cấp ủy nào?

Trả lời: Đảng bộ bộ phận là loại hình tổ chức đảng được lập ở các đảng bộ cơ sở mà ở đó có chi bộ quá đông đảng viên, khó khăn trong sinh hoạt thường kỳ. Điều lệ Đảng quy định: Đối với các tổ chức đảng cơ sở có từ 30 đảng viên trở lên theo quy định của Điều lệ Đảng lập đảng bộ cơ sở, không thành lập chi bộ cơ sở.

Đảng bộ bộ phận chỉ có ở đảng bộ cơ sở, trực thuộc đảng ủy cơ sở, không được lập để trực thuộc đảng ủy cấp trên cơ sở.

          Hỏi: Xin hỏi thời hạn cấp ủy cơ sở có trách nhiệm trả lời chất vấn, kiến nghị của đảng viên được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương thì đảng viên có quyền phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị trực tiếp hoặc bằng văn bản trong phạm vi tổ chức của Đảng về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp, về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của đảng viên đó, chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng về ý kiến của mình. Thời hạn mà TCCSĐ phải có trách nhiệm trả lời chất vấn, kiến nghị của đảng viên là 30 ngày làm việc; trong trường hợp phức tạp cần phải kéo dài hơn thời gian quy định trên thì phải thông báo cho đảng viên biết lý do.

         Hỏi:  Thủ tục cho ra khỏi Đảng đối với đảng viên có giống như xử lý kỷ luật đối với đảng viên hay không?

Trả lời: Thủ tục cho ra khỏi Đảng đối với đảng viên xin ra khỏi Đảng là thủ tục riêng, khác với thủ tục xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Chỉ xem xét, cho ra khỏi Đảng đối với những đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Nếu vi phạm về tư cách thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới xem xét cho ra khỏi Đảng.

         Hỏi:  Thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị về đảng viên thường xuyên giữ mối liên hệ với đảng ủy, chi ủy nơi cư trú... Hiện nay trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có hai loại ý kiến:

       - Loại ý kiến thứ nhất: Khi đảng viên dự bị được cấp có thẩm quyền xét công nhận đảng viên chính thức thì mới giới thiệu về sinh hoạt tại địa bàn nơi cư trú.

        - Loại ý kiến thứ hai: Ngay sau khi kết nạp đảng viên phải làm thủ tục giới thiệu về sinh hoạt tại địa bàn nơi cư trú.

         Vậy ý kiến nào đúng?

Trả lời: Điều 1, khoản 1 Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị quy định “Đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp vừa thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng về sinh hoạt đảng tại nơi làm việc; vừa có trách nhiệm “thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi cư trú” nhằm gần gũi với nhân dân...”.

Theo quy định trên thì mọi đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đều phải được giới thiệu về sinh hoạt tại địa bàn nơi cư trú. Như vậy, ý kiến thứ hai là đúng.

         Hỏi:  Trường hợp quần chúng Nguyễn Văn Hùng (hồ sơ của Chi bộ Ban Tuyên giáo, Đảng bộ Cơ quan Huyện ủy Y.M đề nghị): Lý lịch gia đình và bản thân của quần chúng Nguyễn Văn Hùng khai đầy đủ, rõ ràng. Quá trình công tác quần chúng Nguyễn Văn Hùng có ý thức phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong phần khai về bố mẹ đẻ: Bố mẹ của quần chúng Nguyễn Văn Hùng xây dựng nhà trái phép, vi phạm Luật Đất đai nên bị UBND thị trấn T.H quyết định xử lý hành chính và yêu cầu tháo dỡ nhưng đến nay vẫn chưa tháo dỡ. Ban Tổ chức Huyện ủy Y.M cho rằng quần chúng Nguyễn Văn Hùng chưa đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng: Bố mẹ quần chúng Nguyễn Văn Hùng vi phạm chứ bản thân quần chúng không vi phạm nên vẫn đủ điều kiện kết nạp vào Đảng.

Để có cơ sở tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định kết nạp đối với quần chúng nêu trên, Ban Tổ chức Huyện ủy Y.M mong Tòa soạn hướng dẫn, trả lời để thực hiện.

Trả lời: Điều 2, Khoản 3 Điều lệ Đảng quy định về nhiệm vụ của đảng viên nêu rõ: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Trường hợp của quần chúng Nguyễn Văn Hùng, hiện tại bố mẹ và gia đình đang vi phạm pháp luật về đất đai (xây nhà trái phép) đã bị chính quyền xử lý hành chính, yêu cầu phá dỡ nhưng đến nay gia đình vẫn không chấp hành nên đã vi phạm quy định nêu trên. Vì vậy, trước mắt chưa nên xem xét, kết nạp vào Đảng đối với quần chúng Nguyễn Văn Hùng.

          Hỏi:  Tháng 4-1981 tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ, nhưng do chưa đủ tuổi tôi phải khai tăng thêm 2 tuổi từ 19-5-1966 lên 19-5-1964 để đủ tuổi nhập ngũ. Trong thời gian tại ngũ tôi được kết nạp vào Đảng, hết thời gian nhập ngũ tôi được chuyển ngành. Vì vậy sau này hồ sơ đảng viên và CBCNV của tôi ghi sinh ngày 19-5-1964.

Nay tôi làm đơn xin điều chỉnh lại hộ tịch cho đúng với Giấy khai sinh gốc và đã được chính quyền địa phương, cơ quan công an cấp lại trích lục giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và hộ khẩu sinh ngày 19-5-1966.

         Xin hỏi, là một đảng viên bình thường không giữ chức vụ gì trong Đảng và chính quyền, căn cứ vào quy định mới của Đảng về việc thay đổi hộ tịch thì cơ quan chủ quản có điều chỉnh năm sinh của tôi trong hồ sơ CBCNV và Lý lịch đảng viên cho đúng với hồ sơ hộ tịch của tôi được không? Tôi cần làm thủ tục gì?

Trả lời: Thông báo số 13-TB/TW ngày 17-8-2016 và Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20-9-2016 của Ban Bí thư đã quy định: “Kể từ ngày 18-8-2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng”; Công văn số 1901-CV/BTCTW ngày 5-12-2016 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: “Đối với trường hợp tuổi ghi trong hồ sơ lý lịch cán bộ hoặc các giấy tờ liên quan khác kèm theo hồ sơ cán bộ không trùng khớp với hồ sơ lý lịch đảng viên gốc, khi tiến hành quy trình công tác cán bộ như: quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thì các cấp ủy, tổ chức đảng phải lấy tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi kết nạp vào Đảng làm căn cứ để thực hiện nhất quán, nghiêm túc, khách quan, theo đúng Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng (Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20-9-2016) và Thông báo số 13-TB/TW ngày 17-8-2016 của Ban Bí thư”.

Căn cứ vào các quy định trên thì trường hợp của đồng chí không được xem xét điều chỉnh tuổi trong hồ sơ đảng viên.

          Hỏi:  Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ, đảng viên hằng năm, điểm 1.3 phân loại chất lượng, phần B đánh giá phân loại đảng bộ (chi bộ) trong sạch, vững mạnh (TSVM) quy định: “…chi bộ có 100% đảng viên đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên”.

Như vậy đối với chi bộ đạt TSVM phải đạt các tiêu chí theo quy định, trong đó có tiêu chí tất cả đảng viên trong chi bộ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Đối với đảng bộ đạt TSVM thì có 2 loại ý kiến:

1- Đảng bộ đạt TSVM phải đạt các tiêu chí theo quy định, trong đó đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

2- Đảng bộ đạt TSVM phải đạt các tiêu chí theo quy định, trong đó đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên và 100% đảng viên trong đảng bộ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

          Xin hỏi, đối với đảng bộ đạt TSVM, loại ý kiến nào là đúng?

Trả lời: Điểm 1.3 Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ:

“Đảng bộ (chi bộ) TSVM: hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đạt 90 điểm trở lên và bảo đảm các điều kiện:

- Tập thể ban thường vụ, cấp ủy đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Chi bộ, đảng bộ sinh hoạt đúng quy định; chi bộ có 100% đảng viên đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên;

- Chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp phân loại chất lượng đạt mức cao nhất ...”.

Căn cứ Hướng dẫn trên thì đảng bộ TSVM không nhất thiết phải có 100% đảng viên trong đảng bộ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Như vậy, ý kiến thứ nhất là đúng.

         Hỏi:  Tôi là đảng viên sinh con thứ ba. Chi bộ đã xét kỷ luật khiển trách tôi bằng hình thức giơ tay biểu quyết. Vậy chi bộ tôi làm vậy có đúng không?

Trả lời: Đảng viên sinh con thứ 3 là vi phạm vào Điểm 17, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm. Vì vậy, phải đưa ra xem xét kỷ luật theo quy định tại Điều 26 Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị.

Về thủ tục, theo quy định Điểm 49.7 Quy định số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương, thì: “Việc biểu quyết quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật phải bằng phiếu kín”. Theo quy định nêu trên thì việc chi bộ biểu quyết kỷ luật đảng viên bằng hình thức giơ tay là sai quy định.

        Hỏi:  Tôi là đảng viên 15 năm tuổi đảng. Nay tôi đi làm ăn xa, nơi làm việc không có tổ chức đảng. Tôi đã làm đơn xin miễn sinh hoạt đảng cả năm 2016 và xin nộp đảng phí đều đặn hằng tháng. Xin hỏi có văn bản nào của Trung ương nói về trường hợp này không?

Trả lời: Việc đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú, xin miễn sinh hoạt đảng được quy định tại Điểm 9.3 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 5-1-2012 của Ban Bí thư, cụ thể như sau:

“Đảng viên đi làm việc lưu động ở các địa phương trong nước, việc làm không ổn định hoặc ở những nơi chưa có tổ chức đảng, không có điều kiện trở về tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng thì đảng viên phải làm đơn báo cáo chi bộ xem xét cho tạm miễn sinh hoạt.

Nếu đảng viên đi ra ngoài địa phương nơi cư trú (vì việc làm hoặc vì việc riêng) có lý do chính đáng và thời gian dưới 12 tháng thì chi bộ xét, đề nghị đảng uỷ cơ sở cho đảng viên được tạm miễn sinh hoạt đảng và công tác trong thời gian đó”. Nếu đồng chí đi làm ăn xa dưới 12 tháng thì làm đơn xin tạm miễn sinh hoạt đảng theo quy định trên.

           Hỏi: Tại nơi tôi sinh hoạt chi bộ, có 1 đồng chí trước đi bộ đội và được kết nạp vào Đảng, khi ra quân về địa phương, do hoàn cảnh gia đình đồng chí đó không tham gia sinh hoạt đảng, đi làm ăn xa nhưng không có đơn xin tạm miễn sinh hoạt, sau một thời gian đã trở về địa phương, từ đó đến nay luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình trong các phong trào của địa phương. Nay có ý kiến giới thiệu đồng chí đó vào Đảng, nguyện vọng đồng chí đó cũng muốn được vào Đảng. Đồng chí bí thư chi bộ cũ (địa phương tôi khi đó chưa có Đảng bộ) xác nhận là thời gian đó đồng chí này đã có báo cáo về hoàn cảnh gia đình và xin nghỉ sinh hoạt đảng. Xin hỏi, trường hợp này có được kết nạp lại vào Đảng không?

Trả lời: Trường hợp nêu trên, khi xuất ngũ về địa phương đồng chí này đã đi làm ăn xa, không tham gia sinh hoạt đảng, không làm đơn xin tạm miễn sinh hoạt đảng nên thuộc trường hợp tự bỏ sinh hoạt đảng. Điểm 9.2 Quy định số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương nêu rõ: “không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Vi phạm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Bộ Chính trị; tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn)…”.

Theo quy định này thì trường hợp nêu trên thuộc diện không được xem xét, kết nạp lại vào Đảng.

           Hỏi: Thời gian từ khi đối tượng được chi bộ xét cảm tình đảng, phân công đảng viên theo dõi giúp đỡ đến lúc chi bộ ra nghị quyết đề nghị kết nạp tối thiểu là bao lâu? Ở huyện chúng tôi, có địa phương quy định 3 tháng, có nơi quy định 6 tháng, có nơi quy định 12 tháng? Vậy xin hỏi Trung ương quy định việc này như thế nào?

Trả lời: Các quy định và hướng dẫn của Trung ương hiện nay không quy định thời gian từ khi người xin vào Đảng được chi bộ xét cảm tình đảng, phân công đảng viên theo dõi giúp đỡ đến lúc chi bộ ra nghị quyết đề nghị kết nạp.

          Hỏi: Ở địa phương tôi có một số cảm tình đảng đã tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và được cấp giấy chứng nhận. Vậy xin hỏi sau mấy tháng thì họ được kết nạp vào Đảng?

Trả lời: Khoản 3, Điều 4, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định về trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy trong việc thực hiện thủ tục kết nạp đảng viên như sau:

“- Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi ủy kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.

Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của BCH Trung ương.

- Chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp ủy cấp trên; khi có quyết định của cấp ủy cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.

- Đảng ủy cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp ủy viên tán thành thì đề nghị lên cấp ủy cấp trên trực tiếp.

- Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp của TCCSĐ hoặc cấp ủy cơ sở được ủy quyền xét, quyết định kết nạp từng người một”.

Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 5-1-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng”, mục 3.6 “Nghị quyết của chi bộ và cấp ủy cơ sở xét kết nạp người vào Đảng” cũng quy định:

a) Chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở) xem xét: Đơn xin vào Đảng; lý lịch của người vào Đảng; văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức; nghị quyết giới thiệu đoàn viên của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ sở hoặc nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn của BCH công đoàn cơ sở; bản tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú.

b) Nếu được hai phần ba số đảng viên chính thức trở lên đồng ý kết nạp người vào Đảng thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định…

c) Tập thể đảng ủy cơ sở thảo luận, biểu quyết, nếu được hai phần ba số cấp ủy viên trở lên đồng ý thì ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xét kết nạp…

Như vậy, thủ tục xem xét kết nạp đảng viên phải trải qua nhiều khâu, nhiều cấp mất nhiều thời gian và việc thực hiện từng khâu trong thủ tục xem xét kết nạp đảng viên ở mỗi nơi cũng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Do vậy, các quy định, hướng dẫn hiện nay chưa quy định cụ thể (và không thể quy định cụ thể được) thời gian từ khi học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đến khi kết nạp vào Đảng là mấy tháng. Tuy nhiên, do giấy chứng nhận đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng có thời hạn (5 năm), nên các chi bộ, cấp ủy cơ sở và cấp ủy cấp trên cơ sở nên khẩn trương xem xét kết nạp người vào Đảng.

            Hỏi: Chi bộ trường học A có một đảng viên dự bị. Trong thời gian dự bị đã bị chi bộ và hội đồng nhà trường nhắc nhở 6, 7 lần về ý thức kỷ luật, xử lý công việc… có biên bản làm việc, nhưng không có xử lý kỷ luật. Hết thời gian dự bị, chi bộ làm thủ tục chuyển lên trên đề nghị công nhận đảng viên chính thức thì trên 90% đảng viên chính thức không đồng ý vì đảng viên dự bị không có sửa chữa, tiến bộ. Nhưng cấp ủy cấp trên cho rằng, trong thời gian dự bị đảng viên không bị kỷ luật nên quyết định chuyển chính thức. Vậy cấp ủy cấp trên quyết định có đúng không?

Trả lời: Điểm 4 (4.2) Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của BCH Trung ương quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi đảng viên hết 12 tháng dự bị, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho đảng viên; nếu không đủ điều kiện công nhận là đảng viên chính thức thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên”.

Trường hợp đảng viên nêu trên, trong thời gian dự bị đã có nhiều hạn chế, khuyết điểm và bị chi bộ nhắc nhở nhiều lần; điều đó thể hiện ý thức rèn luyện, phấn đấu của đảng viên dự bị kém nên chi bộ không đồng ý chuyển đảng viên chính thức là có căn cứ và có trên 90% đảng viên trong chi bộ không đồng ý cho chuyển đảng viên chính thức. Việc cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định chuyển đảng viên chính thức cho đảng viên dự bị trên là không có căn cứ.   

           Hỏi: Tôi chuyển sinh hoạt đảng ra khỏi công ty năm 2011 và đã nhận hồ sơ đảng viên để chuyển về nơi cư trú. Tuy nhiên, do điều kiện đi làm ăn xa, tôi đã quên nộp hồ sơ đảng viên về nơi cư trú. Hiện nay, tôi trở về công tác tại công ty cũ và muốn được sinh hoạt trở lại nhưng không biết phải như thế nào?

Vậy tôi còn là đảng viên nữa không, nếu còn thì tôi phải làm thế nào để được sinh hoạt trở lại?

Trả lời: Việc đảng viên sau khi làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng nhưng không mang hồ sơ đảng viên đến cấp ủy có thẩm quyền để nộp theo quy định và bỏ sinh hoạt đảng từ năm 2011 cho đến nay thể hiện sự thiếu ý thức phấn đấu, vô tổ chức kỷ luật, không còn đủ tư cách đảng viên. Điều 8, Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng;… thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên”; Điểm 4.1.1c Mục II Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 17-5-2012 quy định: “Cấp uỷ có thẩm quyền nơi đảng viên chuyển đến xem xét, nếu đảng viên chậm nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng quá 3 tháng mà không có lý do chính đáng thì ra quyết định xoá tên đảng viên đó theo thẩm quyền với lý do “tự ý bỏ sinh hoạt Đảng”, đồng thời gửi thông báo việc xoá tên đảng viên tới chi bộ và cấp uỷ cấp trên trực tiếp của chi bộ nơi đảng viên chuyển đi biết”.

Như vậy, trường hợp nêu trên không còn là đảng viên và không được nối lại sinh hoạt đảng.

            Hỏi: Tôi viết lý lịch của người xin vào Đảng gửi lên đảng uỷ xã. Trong thời gian chờ đợi, tôi lên đảng uỷ xã và gặp đồng chí phó bí thư hỏi, được đồng chí trả lời: trong thời hạn 30 ngày mới trả lời. Tôi xin hỏi, đồng chí phó bí thư trả lời như vậy có đúng không? Căn cứ vào văn bản nào để trả lời quần chúng làm hồ sơ xin vào Đảng. Thời hạn trả lời quần chúng làm hồ sơ xin vào Đảng là bao lâu?

Trả lời: - Trường hợp thứ nhất: Nếu hồ sơ của đồng chí đã được chi bộ họp xét và ra nghị quyết đề nghị cấp ủy có thẩm quyền kết nạp vào Đảng thì thời hạn được thực hiện theo quy định tại Điểm 7.4 Quy định số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011 (nay là Điểm 4.3.1 Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016) của BCH Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng: “Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị kết nạp, cấp uỷ có thẩm quyền phải xem xét, quyết định đồng ý hoặc không đồng ý và thông báo kết quả cho chi bộ, nếu để quá thời hạn trên mà không có lý do chính đáng thì phải kiểm điểm trách nhiệm trước cấp uỷ cấp trên”.

- Trường hợp thứ hai: nếu đồng chí mới viết lý lịch người xin vào Đảng gửi cấp ủy cơ sở để xem xét thì các quy định và hướng dẫn của Trung ương hiện nay không quy định thời gian từ khi viết lý lịch cho đến khi người xin vào Đảng được trả lời. Do đó, đồng chí phó bí thư đảng ủy xã trả lời như trên là không sai với các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

           Hỏi: Cha tôi trước đây là đảng viên. Năm 1992, ông đi kinh tế mới ở Đăk Lăk (thời gian này ông và mẹ tôi sống ly thân, đến năm 2002 thì chính thức ly hôn, tôi ở với mẹ từ thời điểm này cho đến khi trưởng thành). Thời gian đi kinh tế mới, ông có xin phép chi bộ và làm hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng đến nơi ở mới, tham gia sinh hoạt đảng được một thời gian (khoảng 3-4 tháng) thì chuyển đến nơi khác mà không báo cáo, tự ý bỏ sinh hoạt đảng (đến nay hồ sơ đảng của ông đã bị thất lạc). Như vậy, trường hợp của ông có bị xem là tự ý bỏ sinh hoạt đảng nên bị xoá tên hay là bị khai trừ khỏi Đảng không; tôi có thể phấn đấu vào Đảng mà không bị ảnh hưởng bởi lịch sử chính trị của cha tôi hay không?

Trả lời: Trường hợp đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng, chuyển đến nơi ở khác mà không báo cáo hay xin phép chi bộ là thuộc trường hợp bỏ sinh hoạt đảng. Theo quy định tại Điều 8 Điều lệ Đảng và Điểm 8 Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 Quy định thi hành Điều lệ Đảng của BCH Trung ương thì trường hợp trên thuộc diện phải xóa tên trong danh sách đảng viên.

Theo các quy định hiện hành của Đảng thì không quy định những người có bố hoặc mẹ bỏ Đảng, bị xóa tên trong danh sách đảng viên thì không được kết nạp vào Đảng. Do vậy, trường hợp quần chúng nêu trên mà phấn đấu tốt, đáp ứng đủ các điều kiện và có nguyện vọng thì vẫn có thể được xem xét, kết nạp vào Đảng.

            Hỏi: Số đảng viên được miễn công tác, miễn sinh hoạt có thời hạn có tính vào tổng số đảng viên của đảng bộ không? Nếu số đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt này vẫn đến dự đại hội, hội nghị và cũng có khi đi sinh hoạt chi bộ thì có tính vào tổng số đảng viên để tính kết quả biểu quyết không?

Trả lời:  Điều 32 Quy chế bầu cử trong Đảng quy định: “Đối với đại hội đảng viên: Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác, đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội, hội nghị đảng viên, tham gia bầu cử, biểu quyết thì vẫn tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam, đảng viên chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội có lý do chính đáng được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý”.

Như vậy, đảng viên được miễn công tác, sinh hoạt nếu có mặt ở đại hội hoặc hội nghị đảng viên thì tính vào tổng số đảng viên, nếu không có mặt thì không tính vào tổng số đảng viên được triệu tập khi tính kết quả biểu quyết hay bầu cử.

           Hỏi: Chi bộ tôi có đảng viên A sinh con thứ ba. Tháng 11-2016 chi bộ tổ chức kiểm điểm kỷ luật đảng viên A. Có 2 loại ý kiến:

Thứ nhất, quyết định kỷ luật đảng viên A có hiệu lực thi hành ngay sau khi chi bộ có nghị quyết và ra quyết định.

Thứ hai, quyết định kỷ luật đảng viên A có hiệu lực thi hành từ khi đảng viên A gửi bản tự kiểm điểm.

Xin hỏi, theo các văn bản hướng dẫn hiện nay thì hiệu lực thi hành được quy định như thế nào?

Trả lời: Điểm 6, Điều 39 Điều lệ Đảng quy định: “Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định”; Điểm 6 Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của BCH Trung ương quy định Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng: “Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định”.

Cụ thể, tại Điểm 6 Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của BCH Trung ương quy định:

Điểm 6.1: Quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên vi phạm của chi bộ có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật. Trong vòng 10 ngày, chi bộ ban hành quyết định kỷ luật trao cho đảng viên bị kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ. Quyết định kỷ luật của chi bộ (trong đảng bộ bộ phận, trong đảng bộ cơ sở) được đóng dấu của đảng ủy cơ sở vào phía trên, góc trái. Đảng ủy cơ sở hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp không phải ra quyết định chuẩn y.

Trường hợp chi bộ chỉ có bí thư chi bộ, nếu bí thư bị xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của chi bộ thì bí thư chi bộ báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp để cử đại diện chủ trì hội nghị xem xét, kỷ luật. Sau khi biểu quyết quyết định kỷ luật, chậm nhất 5 ngày, chi bộ báo cáo kết quả để ban hành quyết định kỷ luật”.

Điểm 6.2: Tổ chức đảng có thẩm quyền sau khi ký quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật phải kịp thời công bố (trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng cấp dưới công bố) chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày ký. Tổ chức đảng cấp dưới được ủy quyền chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phải công bố quyết định cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật hoặc khiếu nại kỷ luật. Nếu quá hạn trên phải báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền quyết định.

Điểm 6.4: Đề nghị của cấp dưới về kỷ luật cách chức, khai trừ đối với đảng viên và giải tán đối với tổ chức đảng nếu chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định và công bố thì đảng viên đó vẫn được sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng đó vẫn được hoạt động”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu đảng viên bị chi bộ quyết định kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo) thì quyết định kỷ luật có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật; nếu đảng viên bị cấp ủy cấp trên quyết định kỷ luật thì quyết định kỷ luật có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định kỷ luật.

Tại lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018 (tổ chức vào ngày 21, 22/11/2018), Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổng hợp các vướng mắc của ban tổ chức các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy về công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã giải đáp trực tiếp tại lớp Bồi dưỡng. Ban Tổ chức Tỉnh ủy gửi văn bản trả lời chính thức như sau:

(Công văn số 2257-CV/BTCTU, ngày 29/11/2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về Giải đáp vướng mắc tại lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018)

I. Ban Tổ chức Huyện ủy Chư Prông

Câu hỏi: Đối với Thường trực HĐND, UBND cấp xã chỉ có 02 người, không có cấp dưới, vậy có kiểm điểm không? Ở đâu? (trang 2- Hướng dẫn 04 -HD/TU).

Trả lời: Thường trực HĐND, UBND vẫn phải kiểm điểm ở Thường trực HĐND, UBND.

Trường hợp tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có dưới 03 đồng chí thì kiểm điểm trước tập thể cán bộ, công chức nơi công tác (trang 4 - Hướng dẫn số 04-HD/TU).

II. Ban Tổ chức Thành ủy Pleiku, Huyện ủy Chư Prông

Câu 1: Việc gửi trước phiếu phân tích chất lượng và đánh giá, xếp loại tổ chức đảng (Mẫu 03-HD.KD.ĐG) cho các chủ thể tham gia đánh giá khi chưa có các kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của tổ chức đảng và xếp loại của Mặt trận, đoàn thể có được không? (trang 12 - Hướng dẫn 04-HD/TU).

Trả lời: phải có các chỉ tiêu nghị quyết, một trong những điều kiện để xét đánh giá.

Câu 2: Việc đánh giá, xếp loại ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã; ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và ban chấp hành cơ sở.

Vậy xin hỏi, đối với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc cấp huyện... thì chủ thể cùng cấp là đơn vị nào?.

Trả lời: Đối với các chủ thể cùng cấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở các cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc cấp huyện là các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trực thuộc các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện.

Câu 3: Về khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên được thực hiện như thế nào?.

Trả lời: Thực hiện theo Công văn số 2253-CV/BTCTU, ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên.

Câu 4: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy mới được bầu cử, bổ nhiệm năm 2018 (dưới 6 tháng) có thực hiện lấy phiếu tín nhiệm không?.

- Cán bộ lãnh đạo quản lý chưa đủ 06 tháng, vậy có kiểm điểm, đánh giá, xếp loại không?.

Trả lời: Nội dung này Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có ý kiến, đang chờ Ban Tổ chức Trung ương trả lời và sẽ thông báo lại để các địa phương, đơn vị biết, thực hiện.

Câu 5: Việc gửi phiếu phân tích chất lượng và đánh giá xếp loại (Mẫu 03-HD-KĐ.ĐG, Mẫu 04-HD-KĐ.ĐG) được thực hiện như thế nào?.

- Ý 01: Hoàn chỉnh phiếu nhưng chưa đánh giá vào Phiếu để gửi đến các chủ thể đánh giá theo các cấp độ và gửi về cấp có thẩm quyền tổng hợp.

- Ý 02: Hoàn chỉnh phiếu đã được tổ chức đảng, tập thể tự đánh giá rồi gửi đến các chủ thể tham gia nhận xét tổ chức chức đảng, tập thể đó đánh giá như thế đã đúng chưa và ghi nhận xét cụ thể vào phiếu những nội dung đồng ý hay không, giải thích nguyên nhân, đề xuất mức xếp loại.

Trả lời: Thực hiện như ý 2.

III. Ban Tổ chức Thị ủy An Khê

Câu 1: Việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quy định số 825-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại điểm 2(2.1), mục III về thẩm quyền nhận xét, đánh giá cán bộ có nêu: “Tập thể lãnh đạo (đồng cấp) nhận xét, đánh giá”, có thực hiện không?.

Trả lời: Thực hiện theo Quy định số 825-QĐ/TU.

Câu 2: Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và đảng ủy (chi ủy) cơ sở. Vậy đảng ủy cơ sở, chi ủy cơ sở là ban chấp hành hay ban thường vụ đảng ủy, chi ủy.

Trả lời: Kiểm điểm đảng ủy (chi ủy) cơ sở (nghĩa là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ).

Câu 3: Kiểm điểm tập thể UBND huyện. Vậy kiểm điểm trước thành viên UBND huyện hay chỉ kiểm điểm trong tập thể lãnh đạo UBND huyện?.

Trả lời: Kiểm điểm trước thành viên UBND huyện.

Câu 4: Cấp có thẩm quyền quyết định mức xếp loại tổ chức đảng, đảng viên. Vậy, tỷ lệ phiếu đạt bao nhiêu là được (quá bán hay 2/3 trở lên).

Trả lời: Bỏ phiếu kín, tỷ lệ quá bán.

Câu 5: Đối với đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Vậy, chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận đánh giá, xếp loại thế nào?.

Trả lời: Thực hiện việc đánh giá, xếp loại như chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

IV. Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Pa, Đăk Pơ

Câu 1: Tại trang 06, phần a) chuẩn bị kiểm điểm của tập thể, cá nhân có nêu: “Người đứng đầu cấp ủy... theo Mẫu 1 và lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của cấp có thẩm quyền”. Vậy, đối với tập thể cấp ủy cấp huyện, cấp xã; tập thể các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện... thì lấy ý kiến đóng góp thế nào?.

Trả lời: Cá nhân các đồng chí phụ trách nếu có thành viên của cấp ủy đó và các cơ quan cùng cấp có liên quan.

Câu 2: Đối với tập thể lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp sau khi kiểm điểm có đánh giá, xếp loại hay không?.

Trả lời: Ngoài những đối tượng đánh giá xếp loại theo Hướng dẫn số 04-HD/TU thì các đối tượng khác chỉ kiểm điểm đánh giá chứ không xếp loại.

Câu 3: Đối với tập thể chi ủy chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có tổ chức kiểm điểm và xếp loại không?.

Trả lời: Có kiểm điểm chi ủy nhưng không đánh giá, xếp loại chất lượng.

Câu 4: Tập thể lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện đã kiểm điểm xong rồi, vậy có phải kiểm điểm lại theo Hướng dẫn số 04-HD/TU hay không?.

Trả lời: Kiểm điểm bổ sung những nội dung còn thiếu theo Hướng dẫn số 04-HD/TU.

Câu 5: Về đánh giá, xếp loại đảng viên ở mục 2.4, trang 15, Hướng dẫn số 04-HD/TU nêu: Chủ thể liên quan tham gia đánh giá: “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức”. Ví dụ: Đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy sinh hoạt đảng tại chi bộ khối Đảng thì chi ủy lấy ý kiến người quản lý, sử dụng 2 đồng chí này là ai?.

Trả lời: Tại khổ 4, bước 2, trang 16, Hướng dẫn số 04-HD/TU có nêu: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức: Đánh giá, xếp loại công chức, viên chức theo quy định của  Chính phủ. Nghĩa là lấy kết quả xếp loại cán bộ, công chức viên chức theo quy định của Chính phủ (kết quả này đã được người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức đánh giá, xếp loại).

Vậy đồng chí bí thư Huyện ủy, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy sinh hoạt đảng tại chi bộ khối Đảng thì lấy kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của chính phủ làm tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên.

Câu 6: Đối với chi bộ cơ sở thì chi ủy quyết định xếp loại chất lượng đảng viên, có phải bỏ phiếu kín hay không?.

Trả lời: Tất cả các cấp có thẩm quyền khi xem xét quyết định xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, tập thể lãnh đạo, quản lý đều phải thực hiện việc bỏ phiếu kín, kết quả phải đạt tỷ lệ phiếu trên 50% là được.

Câu 7: Các tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý sau khi tự đánh giá, xếp loại chất lượng vào Phiếu (Mẫu 3, Mẫu 4) và gửi đến các chủ thể tham gia đánh giá thì có gửi kèm mẫu phiếu để trống không?.

Trả lời: Có gửi kèm theo mẫu phiếu trống để các chủ thể tham gia đánh giá và gửi về ban tổ chức cấp ủy.

V. Ban Tổ chức Huyện ủy Chư Pưh

Câu 1: Đồng chí Phó Bí thư kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mà mình là thành viên thì kiểm điểm trước tập thể nào?.

Trả lời: Phải kiểm điểm trước tập thể là những đồng chí là thành viên (BTV huyện ủy và các tổ chức khác).

Câu 2: Đánh giá, xếp loại ban thường vụ cấp ủy cấp huyện: Chủ thể cấp trên tham gia đánh giá là tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp là cơ quan, đơn vị nào? (trang 19 - Hướng dẫn số 04-HD/TU).

Trả lời: Thực hiện theo Hướng dẫn số 04-HD/TU.

VI. Ban Tổ chức Thị ủy Ayun Pa

Câu 1: Các chủ thể tham gia đánh giá: Cấp trên là tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp và các đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện (đối với đánh giá các loại hình khác).

Ví dụ: Chi bộ Tài chính - Kế hoạch (gồm phòng Tài chính và Chi cục Thống kê).

Vậy, cấp trên trực tiếp để lấy phiếu đánh giá là Ủy ban nhân dân cấp huyện hay Sở Tài chính, Cục Thống kê tỉnh.

Trả lời: Cấp trên trực tiếp là Sở Tài chính, Cục Thống kê tỉnh và các đoàn thể cấp huyện.

Câu 2: Chủ thể tham gia đánh giá ở cùng cấp: Tập thể lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp. Vậy, các tập thể lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc cấp ủy cấp mình hay các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các đảng bộ khác.

Trả lời: Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp  mình.

Câu 3: Đối với các đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp huyện gửi đề nghị về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp).

Vậy đối với các chức danh này, đối tượng này bên khối chính quyền thì ban tổ chức cấp ủy cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét, quyết định không? Nếu có thì cơ quan nào? phòng Nội vụ hay ban tổ chức cấp ủy cấp huyện tổng hợp nhận xét, đánh giá, hội đồng nâng lương.

Trả lời: Do UBND huyện báo cáo Thường trực Huyện ủy (qua ban tổ chức cấp huyện) thống nhất trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

VII. Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa

Câu 1: Đối với đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng không có cấp dưới thì thực hiện thế nào?.

Trả lời: Chỉ thực hiện như lấy phiếu đánh giá đối với các chủ thể cấp trên và cùng cấp.

Câu 2: Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp, thẩm định kết quả tự đánh giá và kết quả tham gia đánh giá của các chủ thể để báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét. Vậy phối hợp với các cơ quan có liên quan là các cơ quan nào?.

Trả lời: Các cơ quan có liên quan là các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện và các cơ quan khác (nếu có).

VIII. Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Cơ

Câu 1: Đối tượng kiểm điểm đối với chi bộ cơ sở không có chi ủy thì có yêu cầu kiểm điểm không?.

Trả lời: Không kiểm điểm tập thể chi bộ nhưng có kiểm điểm đối với đồng chí bí thư, phó bí thư trước chi bộ (cá nhân lãnh đạo, quản lý).

Câu 2: Đối với chi bộ có đảng viên sinh hoạt ghép. Vậy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với loại hình chi bộ này là cơ quan, đơn vị nào?.

Trả lời: Lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn cấp trên của các cơ quan có đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ (ví dụ: chi bộ khối đảng thì phải lấy hết).

Câu 3: Về khung tiêu chí (trang 10 - Hướng dẫn số 04-HD/TU).

1- Đề nghị làm rõ thêm cụm từ “trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả” ở mục b) “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và mục c) “Hoàn thành nhiệm vụ”.

2- Khung (b) và Khung (c) nếu so sánh lại thấy chưa phù hợp: Ở khung (b) không có cấp ủy viên bị kỷ luật, trong khi khung (c) quy định không có đảng viên của chi bộ bị kỷ luật. nếu hiểu là có đảng viên vi phạm sẽ không được xếp loại “Hoàn thành nhiệm vụ”.

Trả lời:

1- Nghĩa là chi bộ tự phát hiện ra các sai phạm của tập thể, cá nhân, đảng viên trong chi bộ, đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tập thể, cá nhân đã khắc phục xong những thiệt hại (nếu có).

2- Nội dung này Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có ý kiến, đang chờ Ban Tổ chức Trung ương trả lời và sẽ thông báo lại để các địa phương, đơn vị biết, thực hiện.

IX. Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị - Công an tỉnh

Câu 1: Phân loại cán bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhưng không đạt danh hiệu “chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” có được xếp loại đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không?.

Trả lời: Ở phần khung tiêu chuẩn các mức chất lượng (trang 14- Hướng dẫn số 04-HD/TU) có nêu: a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Nêu “Đảng viên là công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Vậy, đối với đảng viên là công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là được.

Câu 2: Đảng bộ Công an tỉnh có 27 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tương ứng với 27 Phòng, được chia làm 03 khối (An ninh; Cảnh sát; Xây dựng lực lượng) thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Vậy, đối với các chủ thể tham gia đánh giá cùng cấp có thể chia thành 03 khối riêng biệt để đánh giá với nhau cho sát với chức năng, nhiệm vụ được không?.

Trả lời: Theo Công văn số 6767-CV/BTCTW, ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Ban Tổ chức Trung ương về việc giải đáp đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá công tác Tổ chức xây dựng Đảng tháng 10/2018, triển khai nhiệm vụ tháng 11/2018, có hướng dẫn: “Ở những nơi có quá nhiều chủ thể tham gia đánh giá cùng cấp khi đánh giá một tập thể thì ban tổ chức cấp ủy có thể hướng dẫn đánh giá ở cùng cấp theo cụm thi đua (nếu có) hoặc theo loại hình tổ chức đảng”.

Như vậy, Đảng ủy Công an tỉnh có thể chỉ đạo chia các chủ thể tham gia đánh giá cùng cấp thành các khối riêng để tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng.

Đề nghị ban tổ chức cấp ủy cấp huyện có thể vận dụng nội dung nêu trên để tham mưu ban thường vụ cấp ủy cấp mình hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện ở địa phương, đơn vị mình.

X. Ban Tổ chức Đảng ủy Quân sự tỉnh

Câu hỏi: Đối với đảng viên sinh hoạt tạm thời, Tổng cục Chính trị hướng dẫn đảng ủy cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời nhận xét, gửi kết quả về nơi đảng viên sinh hoạt chính thức để đánh giá, xếp loại (Hướng dẫn 1758/HD-CT của Tổng cục Chính trị). Hướng dẫn số 04-HD/TU không có hướng dẫn về vấn đề này. Hiện nay, Đảng ủy quân sự có 75 đảng viên đang học các lớp đào tạo xã, phường, đội trưởng (lớp trung cấp chuyên nghiệp quân sự) tại trường Quân sự tỉnh. Vậy đối với những đảng viên này thì nơi nào đánh giá, xếp loại?.

Trả lời: Thực hiện theo Hướng dẫn 1758/HD-CT của Tổng cục Chính trị.

Ban Tổ chức tổng hợp

LÊN ĐẦU TRANG