The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Chấm dứt tình trạng… có tiền mà không tiêu được?
12/06/2022 - Lượt xem: 350
Không có tiền đã đành nhưng có tiền mà lại không tiêu được – vấn đề nghe có vẻ nghịch lý nhưng đang là thực tế diễn ra lâu nay khi nói về đầu tư công. Vấn đề này lại “nóng” trở lại khi được nêu ra tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra. Vậy là những giải pháp mới cho các vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm này lại một lần nữa được “đặt lên bàn cân”.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 1 trong số 12 dự án Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn sang giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: TTXVN) 

Sốt ruột với giải ngân đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải ngân vẫn chậm, tiền vẫn “kẹt” mà chưa thể đưa vào nền kinh tế. Điều này đã được thể hiện rõ khi Ủy ban Tài chính – Ngân sách thông tin tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra: Trong năm 2021, chi đầu tư, ước thực hiện giải ngân đạt 94,94% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (97,5%). Việc giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp, chỉ bằng 32,85% kế hoạch. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục. Việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, theo đó làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Chưa hết, công tác triển khai gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ đồng Quốc hội quyết định ở Kỳ họp bất thường hồi tháng 1/2022, đến kỳ họp giữa năm này, phần danh mục dự án dự kiến được rót vốn mới chỉ có tên, dù nhiều nội dung của chính sách này chỉ thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023).

Còn nữa, tại cuộc làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Thủ tướng với các địa phương về vấn đề này, lãnh đạo một số địa phương lại tiếp tục đưa ra những con số “đáng buồn”. Đó là đến thời điểm này tỉnh Bắc Ninh mới giải ngân đạt 18% so với kế hoạch được giao; tỉnh Hải Dương đạt 21,2%; tỉnh Hà Nam đạt 15,5%; thành phố Đà Nẵng đạt 17,2%...

Có thể nói, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công gây nên sự lãng phí rất lớn đã được nói rất nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm chậm tiến độ triển khai các công trình, các chương trình, gây hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn, đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Vướng do đâu, là câu hỏi tiếp tục được đặt ra và có muôn vàn các lý do giải thích nghe rất… chính đáng. Đó là vướng mắc do thủ tục hành chính; do địa phương có nhiều dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì người dân đòi giá quá cao; rồi việc phân công, phân cấp chưa hợp lý, chuyện phối hợp còn yếu kém…

Nhưng có một điều đáng nói là cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành địa phương giải ngân chiếm tỷ lệ cao, có những mô hình với những sáng kiến, cách làm sáng tạo trong khi có nơi tỷ lệ này lại rất thấp. Điển hình như vấn đề liên quan đến mua sắm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù, nhưng lại xuất hiện trạng thái một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc.

Do đó, không thể đổ lỗi mãi cho cơ chế, chính sách mà cần thẳng thắn nhìn nhận lại khâu tổ chức thực hiện. Đó là việc kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được thực hiện một cách kịp thời, triệt để. Cùng với đó là sự thiếu quyết liệt, chưa quan tâm đốc thúc của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương. Đó còn là tâm lý sợ trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân…

Vì vậy, tìm giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha là yêu cầu của Quốc hội cũng là mong muốn của cử tri. Theo đó, một số ý kiến gợi mở, muốn chấm dứt tình trạng “có tiền mà không tiêu được” cần kiên quyết không đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục. Xác định rõ năng lực các ban quản lý dự án.

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền. Khuyến khích tư duy sáng tạo, mạnh dạn với cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt cơ chế, chính sách ngay từ cơ sở. Đặc biệt, xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Không để vốn đầu tư công “ngủ yên” chỉ vì cán bộ luôn “sợ trách nhiệm”.

Tại cuộc làm việc với các địa phương mới đây về kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Thủ tướng đã nhấn mạnh đến việc thực hiện giải pháp quyết liệt hơn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, đôn đốc…

"Phải xây dựng kế hoạch cụ thể tiến độ giải ngân tới từng dự án, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, đảm bảo tiến độ đề ra, kiểm soát chất lượng dự án, công trình, điều chuyển vốn sang dự án có hiệu quả giải ngân tốt, điều chuyển cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật kỷ cương. Nếu có giải pháp mạnh thì sẽ có kết quả tích cực hơn, nếu không sẽ chậm thay đổi" – Bộ trưởng Dũng nói.

Hy vọng với sự nhìn nhận thấu đáo từ Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ với nhiều biện pháp mạnh để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, động lực, trong thời gian tới những đồng vốn đầu tư sẽ đến đúng địa chỉ để những đồng tiền “kẹt” sẽ sớm được giải ngân đem lại lợi ích cao nhất, vì sự phát triển đi lên của đất nước./.

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG