The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tân Bộ trưởng GD&ĐT: “Phát huy mọi nguồn lực để đất nước có nền giáo dục xứng tầm”
09/04/2016 - Lượt xem: 2349
“Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Đây là chia sẻ của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trước hết, xin chúc mừng đồng chí được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng có thể cho biết cảm xúc của mình lúc này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cảm ơn phóng viên về lời chúc mừng. Cảm xúc của tôi lúc này thật khó diễn tả. Tôi vui mừng và vinh dự được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ một chức vụ quan trọng trong Chính phủ, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì thấy trách nhiệm quá lớn lao. Đã làm trong ngành nhiều năm, tôi thấu hiểu những khó khăn, gian khổ không hề nhỏ mà các vị Bộ trưởng tiền nhiệm đã phải trải qua. Nay được đặt vào cương vị ấy, tôi ý thức sâu sắc rằng có rất nhiều thử thách đang chờ ở phía trước. Mặc dù vậy, tôi rất tin tưởng vào thành công vì giáo dục-đào tạo là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Chúng ta có rất nhiều chuyên gia giỏi và đầy nhiệt huyết ở cả trong và ngoài nước. Nếu tranh thủ được trí tuệ và nhiệt tình của họ thì lo gì ngành giáo dục-đào tạo của chúng ta không có “hòn núi cao”. Với tư cách là một Bộ trưởng mới, tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình.

Bộ trưởng có thể cho biết nhiệm vụ ưu tiên của mình trong thời gian tới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước của ngành, việc đầu tiên tôi phải bắt tay ngay vào là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.

Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, theo đó chương trình, sách giáo khoa luôn quá tải vì chạy theo những kiến thức cụ thể, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.

Để đạt được mục tiêu ấy, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ, lớp lang theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bộ trưởng sẽ triển khai các nhiệm vụ này ra sao?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quyết định sự thành bại của sự nghiệp này là ở nhân tố con người. Do vậy, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này.

Mặc dù còn có muôn vàn khó khăn, nhưng các thầy cô giáo ở tất cả các cấp học sẽ đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp này. Giáo viên cần phải có vị trí xứng đáng với vai trò đó. Học sinh phổ thông cũng như sinh viên các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp phải được coi là đối tượng trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Chất lượng đầu ra của đối tượng này sẽ là thước đo mức độ thành công của sự nghiệp đổi mới.

Công việc bồi dưỡng, tập huấn, thậm chí đào tạo lại đội ngũ giáo viên phải được coi trọng và triển khai một cách bài bản, khoa học. Việc tuyển chọn, đánh giá chất lượng đội ngũ và năng lực học sinh, sinh viên cũng phải dựa trên những thành tựu khoa học mới nhất của giáo dục hiện đại. Đây sẽ là những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới.

Đồng thời với công việc liên quan đến nhân tố con người, việc đổi mới chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và học liệu phù hợp sẽ được coi là khâu quan trọng. Và đổi mới quản lý, quản trị ở các cơ sở giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình và giám sát của xã hội sẽ được triển khai đồng bộ, gắn với chất lượng và hiệu quả.

Một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm. Đấy là tiềm năng, là nguồn lực thực tế và cũng là nền tảng văn hóa-xã hội bảo đảm cho thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo. Với sự chung tay, góp sức của toàn dân và sự ủng hộ của toàn xã hội thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua.

Nhưng tôi cũng hiểu rằng, để đi tới thành công, người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cục, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại, đồng thời phải có quyết tâm rất cao, bản lĩnh vững vàng với tinh thần bứt phá quyết liệt. Tôi nguyện sẽ dành hết tâm sức của mình cho công việc để đáp lại sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Chinhphu

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG