Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai (phân bố trên phạm vi ranh giới hành chính của 6 xã thuộc 3 huyện: Kbang, Đăk Đoa, Mang Yang), là một trong 05 Vườn Quốc gia của Việt Nam và là một trong 27 Vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 36.857,7ha rừng tự nhiên (tương đương với 89% tổng diện tích Vườn) với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như: Đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748m là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku và được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Gia Lai; đỉnh Đá Trắng, thác 95 cao trên 45m là thác nước lớn và đẹp nhất trong Vườn Quốc gia; thác Nàng tiên, thác Ba tầng, cây thông 5 lá cổ thụ, quần thể cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những dòng suối trong lành, thơ mộng và những cánh rừng nguyên sinh hầu như chưa bị tác động bởi con người... Ngoài ra, Vườn còn có hệ sinh thái vô cùng đa dạng với 556 loài động vật và 1.022 loài thực vật, trong đó có nhiều loại động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, đặc biệt quan trọng là gần 2.000ha rừng hỗn giao giữa cây lá rộng - lá kim, đây là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái với những khám phá, trải nghiệm cùng thiên nhiên.
Bên cạnh giá trị tài nguyên tự nhiên, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn có giá trị tài nguyên nhân văn với giá trị lịch sử và giá trị văn hóa độc đáo. Khu vực vùng đệm Vườn có 23 làng, bản, trong đó có nhiều làng, bản có tới 99% cộng đồng người Ba Na sinh sống, vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Ba Na như thuở sơ khai như: Lễ hội đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng... và những nghề thủ công cổ truyền như: Nghề dệt thổ cẩm, đan lát... Cộng đồng dân cư trong vùng có truyền thống cách mạng, có đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tại tiểu khu 88 thuộc xã Krong, huyện Kbang từng là khu căn cứ cách mạng, là nơi đóng trụ sở của nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh Gia Lai trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ năm 1972 đến năm 1975).
Tất cả những yếu tố nói trên cho thấy Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng này. Thực tế trong những năm qua cho thấy, lượng khách du lịch đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn rất ít, chủ yếu là tự phát; tỉnh vẫn chưa có chỉ đạo về việc xây dựng chiến lược quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến Kon Ka Kinh; việc khai thác, tổ chức hoạt động du lịch còn yếu và chưa có hiệu quả; các hoạt động du lịch chưa được đầu tư, tuyến điểm tham quan chưa có tính liên kết và chưa đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cùng các dịch vụ du lịch ở các tuyến điểm tham quan đó...
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản về việc thống nhất chủ trương phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là chủ trương quan trọng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, cũng là một trong những nội dung quan trọng được xác định tại Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mục tiêu của Đề án nhằm: Bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn, làm cơ sở đưa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một trong những Vườn tiêu biểu cho du lịch sinh thái của Việt Nam. Tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo nguồn thu bền vững, trước mắt tự trang trải và đảm bảo chi cho quản lý, bảo vệ rừng từ nguồn thu của việc cho thuê môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái.
Việc phê duyệt và thực hiện Đề án góp phần quan trọng phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nói riêng, đồng thời tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch tỉnh nhà nói chung.
Thanh Hằng