Triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU, ngày 26/8/2008 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình nhằm tổ chức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch ở địa phương.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU, tình hình hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực, năm 2017 tổng lượt khách du lịch đến thành phố Pleiku đạt 480.000 lượt, tăng 392,9% so với năm 2008 (97.328 lượt khách), trong đó khách quốc tế đạt 9.650 lượt, tăng 47,1% so với năm 2008 (6.561 lượt khách); doanh thu đạt 239 tỷ đồng, tăng 281,6% so với năm 2008 (62,62 tỷ đồng).
Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của thành phố được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, vệ sinh môi trường... gắn với chỉnh trang đô thị, tu bổ các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí, như: Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Di tích lịch sử văn hóa Biển Hồ, Làng văn hóa du lịch Plei Ốp tại phường Hoa Lư, Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm Mộ Liệt sỹ Hội Phú, Nhà thiếu nhi tỉnh… đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của người dân địa phương và thu hút khách trong nước và quốc tế. Trên địa bàn thành phố, có gần 70 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 01 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao… với tổng số trên 1.800 phòng và gần 3.000 giường. Hầu hết, các khách sạn, nhà khách trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhưng chất lượng phục vụ được đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.
Khu di tích lịch sử văn hóa Biển Hồ hằng năm đều được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện cho du khách đến tham quan du lịch. Đặc biệt trong năm 2017, tỉnh Gia Lai đã đầu tư kinh phí xây dựng bờ kè xung quanh Khu di tích; thành phố đã tạo điều kiện cho Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức phục dựng Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại khu vực Đồi Vọng cảnh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia đây là điều kiện quan trọng để xây dựng các định hướng phát triển, giải pháp quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Pleiku phát triển.
Công tác đầu tư phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch được quan tâm. Thành phố đang khảo sát xây dựng Khu phố mua sắm, ẩm thực và xây dựng 02 làng văn hóa nông thôn mới. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phục vụ du lịch được thực hiện có hiệu quả, như: Không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường, góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người địa phương, tạo việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập kế hoạch phát triển du lịch còn chậm; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, quy mô các loại hình du lịch phát triển chưa tương xứng. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phát huy hết tiềm năng sản phẩm du lịch mang đặc thù của địa phương; thiếu các loại hình dịch vụ chất lượng cao, như: Khu vui chơi hiện đại, khu giải trí cao cấp.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành du lịch. Trong đó, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 26/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, gắn với thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư vào ngành du lịch với các hình thức linh hoạt, phong phú, từng bước tạo dựng và nâng cao hình ảnh du lịch Pleiku để giới thiệu rộng rãi trong nước và ngoài nướcThực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư vào hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo tăng cường thu hút một số doanh nghiệp lớn từ các trung tâm kinh tế lớn và các tỉnh lân cận để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, đặc biệt là lĩnh vực khách sạn cao cấp, lữ hành, khu du lịch, khu vui chơi giải trí quy mô lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh và các sản phẩm hàng hóa của Pleiku với các địa phương khác trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng phục vụ và cơ sở vật chất các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú đảm bảo văn minh, lịch sự, an toàn. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch bản sắc văn hóa dân tộc.
Lam Giang