Du lịch là ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định tầm quan trọng của du lịch trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trên địa bàn tỉnh, triển khai quan điểm lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 525/QĐ-UBND, ngày 04/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành du lịch tỉnh đã cụ thể hóa nhiệm vụ theo giai đoạn cụ thể và ban hành “Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2020” tại Quyết định số 116/QĐ-UBND, ngày 24/2/2017. Đến nay, một số huyện, thị xã đã chủ động xây dựng Kế hoạch của địa phương như: Thị xã An Khê, huyện Kbang; triển khai lập 03 quy hoạch chi tiết và 05 đề án phát triển du lịch của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá được duy trì trên cơ sở tiềm năng hiện có, cập nhật thông tin thường xuyên tại website du lịch: dulichpleiku.gialai.gov.vn và svhttdl.gialai.gov.vn; phát hành các tờ rơi điểm du lịch phong phú thuận tiện cho việc tham gia các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, tham gia gian hàng chung với 03 tỉnh, chủ đề “Gia Lai - Đắk Lắk - Kon Tum, Tây Nguyên đại ngàn” tại hội chợ VITM - Hà Nội vào tháng 4 vừa qua. Tổ chức cuộc thi slogan và logo du lịch tỉnh Gia Lai.
Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh thành đã phát huy tích cực, triển khai các chương trình ký kết hợp tác với các tỉnh thành có ngành du lịch phát triên. Khảo sát xây dựng tuyến du lịch sinh thái kết hợp văn hoá, lịch sử Đông Trường Sơn, khai thác Làng kháng chiến Stơr - Khu di tích lịch sử - văn hoá khu 10, xã Krong kết nối một số thác Đăk Bok, Hà Lần, Hang Dơi - Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo - Di chỉ khảo cổ học An Khê - Chiến thắng Đăk Pơ.
Trong 6 tháng đầu năm tổng lượt khách đến Gia Lai ước đạt 128.700 lượt, tăng 7,4% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu khách nội địa đạt 124.890 lượt, tăng 7,8% so với cùng kỳ, khách quốc tế giảm hơn 5%, ước đạt 3.810 lượt. Khách đến Gia Lai hiện nay chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp 3% trong tổng lượt khách. Một số sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thao các ngành tổ chức tại tỉnh đã góp phần tăng lượng khách đến Gia Lai. Khách quốc tế đến Tây Nguyên chủ yếu tìm hiểu về văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thường kết hợp tour Đăk Lăk - Gia Lai - Kon Tum, các điểm du lịch văn hoá hiện nay của Gia Lai chủ yếu thăm một số làng đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, sức hấp dẫn còn hạn chế hơn, do đó số đoàn và lượt khách quốc tế chưa tăng.
Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 100,3 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm 31/5/2017, toàn tỉnh có 79 khách sạn, nhà nghỉ du lịch với tổng số 2.015 buồng, trong đó 53 khách sạn xếp hạng 1 - 4 sao chiếm 67% tổng số khách sạn và 26 khách sạn nhỏ, nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh du lịch. Hoạt động lữ hành còn non yếu hơn so với các tỉnh, với 11 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 5 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
Thúy Hạnh