The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Về làng Kuai
04/08/2020 - Lượt xem: 3133
Sau vài câu xã giao, anh Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã Ia Blang (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đưa tôi và nhóm thiện nguyện đến làng Kuai. Chỉ một đoạn đường chừng vài cây số, chúng tôi đã có mặt ở làng. Môch-chàng trai trẻ đã chờ sẵn ở sân lớp học của làng. “Môch là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn đấy anh ạ”-Chủ tịch UBND xã nói với tôi. Một chàng trai ở tuổi 32, người Bahnar, ở làng mà có chí phấn đấu như Môch là khá đặc biệt.
Tôi hỏi Môch: Vì sao làng Kuai chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi Ia Blang đã là xã nông thôn mới từ năm 2015? Trưởng thôn nhìn xa xăm vẻ không vui rồi thẳng thắn trả lời câu hỏi của tôi: Làng Kuai có 81 hộ, trong đó có 73 hộ người Bahnar, 7 hộ người Jrai, 1 hộ người Kinh. Sở dĩ chưa được công nhận làng nông thôn mới vì làng còn 7 hộ nghèo và cận nghèo. Nghe Trưởng thôn Môch thật thà “khai báo”, tôi chợt nhớ về làng Kuai ngày trước...
 
Hồi đó, khi về nhận công tác tại huyện Chư Sê, tôi dành nhiều thời gian về những làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện vùng sâu, vùng xa còn nghèo khó, trong đó có 3 làng cùng tên Kuai. Cũng không ai còn nhớ rõ làng Kuai ở xã Ia Blang có tự bao giờ, nhưng chuyện du canh du cư thì nhiều người từng biết đến.
 
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khôi cho hay: Những người lớn tuổi ở Ia Blang cũng không còn nhớ rõ là ngôi làng Bahnar duy nhất của xã đến định cư tự bao giờ. Còn tôi thì biết, làng Kuai gốc không phải ở xã Ia Blang. Đây là ngôi làng được tách ra từ làng Kuai ở xã Bờ Ngoong di cư đến đây từ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi chưa thành lập huyện Chư Sê (trước 17-8-1981), Ia Blang thuộc huyện Chư Prông (K5), xã Bờ Ngoong thuộc huyện Mang Yang (K6).
 
Vùng này thời chiến tranh chống Mỹ, nhất là những năm 60, 70 thế kỷ trước vô cùng ác liệt. Mỹ-ngụy ra sức càn quét đánh phá, dời làng lập ấp chiến lược, một bộ phận bà con người dân tộc thiểu số bị dồn vào các khu tập trung, nhằm “tát nước bắt cá”. Có lẽ làng Kuai là một trong những làng bị dồn dân lập ấp mà bà con bất hợp tác với chế độ nên đã làm cuộc di cư từ Bờ Ngoong sang vùng giải phóng K5 (?).
 
Chưa hết, tôi còn biết có một làng Kuai nữa ở Nhơn Hòa (bây giờ là xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Làng này lại được tách ra từ làng Kuai của xã Ia Blang. Ngày đó, muốn đến được ngôi làng Bahnar mới này, tôi phải đi bằng... máy cày. Làng chỉ chừng vài chục nóc nhà, ẩn mình trong rừng già, là một làng Bahnar đầy đủ những nét văn hóa truyền thống vốn có.
 
Giọt nước làng Kuai (xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Giọt nước làng Kuai (xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Ảnh: Đoàn Minh Phụng
 
Có một điều lạ là người làng Kuai, dù “tha phương cầu thực” xứ người, nhưng cái tên “cúng cơm” vẫn giữ. Đặc biệt, từ người già đến trẻ luôn nói tiếng Bahnar. Đồng hành trong cộng đồng gồm các tộc người khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nhưng nguồn cội Bahnar không mai một, sự giao thoa đâu đó, cũng chỉ là khi sinh hoạt với cộng đồng bên ngoài ngôi nhà của mình. Cũng không ít gia đình hình thành bởi sự “giao thoa” ấy, nhưng chỉ “hòa hợp”, không “hòa tan”.
 
Còn nhớ hôm tôi đưa mấy anh chị em trong nhóm thiện nguyện đến khảo sát, tìm vị trí để xây một cây cầu cho xã và khoan tặng cho bà con làng Kuai một cái giếng. Dù đã định canh, định cư từ rất lâu, nhưng bà con ở đây vẫn còn khó khăn về nước sinh hoạt, giọt nước “truyền thống” vẫn là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người làng.
 
Có lẽ đã được lãnh đạo xã cho biết trước nên khi chúng tôi đến, Trưởng thôn Môch đã chờ sẵn. Khi biết tôi nói được tiếng Bahnar, anh chuyển sang “đối thoại” bằng ngôn ngữ của mình. Đưa tôi dạo quanh mấy nhà trong làng, rồi ra giọt nước, ý cho tôi hay là việc khoan giếng giúp làng là điều nên làm.
 
Hôm trở lại làng Kuai để đặt viên đá khởi công khoan giếng, Môch cho biết, những việc tôi nói hôm lần đầu đến làng, anh đã vận động bà con làm rồi; đó là khu vực quanh giọt nước của làng đã làm vệ sinh sạch sẽ, mùa mưa tới trồng cây nữa là được. Mấy đống rác thải nhựa ở gần những lối đi đã dọn xong.
 
Ia Blang là một trong những xã giàu của huyện Chư Sê. Đa số bà con ở đây là người từ các tỉnh miền xuôi lên định cư sau ngày giải phóng theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bà con rất chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất. Đặc biệt, Ia Blang là “cái nôi” hồ tiêu của Chư Sê, một trong những xã đầu tiên của Gia Lai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Chia tay bà con làng Kuai, chia tay Ia Blang, trong tôi có một niềm tin với đội ngũ cán bộ trẻ, vừa được Đại hội Đảng bộ xã lựa chọn bầu ra, đoàn kết và nhiệt tình, có năng lực nhất định sẽ lãnh đạo địa phương phát triển toàn diện trong tương lai.

Theo GLO

https://baogialai.com.vn/channel/12400/202008/ve-lang-kuai-5693901/

(Bấm vào đây để nhận mã)

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG